MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Hoàng Hải và diễn viên Thái Hòa thành công khi hóa thân vào những nhân vật có số phận vất vả, nghèo khó. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Nghịch cảnh giàu - nghèo trên phim Việt

Bình An LDO | 02/08/2023 15:41

Những bộ phim lấy bối cảnh nghèo khó, tái hiện những nhân vật cùng khổ luôn chạm đến trái tim khán giả.

Khi bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” lên sóng, trên diễn đàn phim ảnh, một độc giả bình luận dí dỏm, “Phim Việt tái hiện cảnh nghèo khổ rất chân thực, trong khi tái hiện cuộc sống của giới nhà giàu lại nửa vời, không tới”.

Điều này rất dễ hiểu, bởi cảnh nghèo rất dễ tái hiện, trong khi để làm phim về giới siêu giàu lại phải cần đến rất nhiều tiền.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao” với bối cảnh chợ Long Biên gần như sẵn có, diễn viên chỉ cần tìm lại quần áo cũ mặc lên, là có câu chuyện đầy tính đời sống.

Trong khi đó, bộ phim “Nơi giấc mơ tìm về”, Lãnh Thanh bị chê không thể hiện được khí chất của một thiếu gia con nhà giàu. Từ trang phục đến phụ kiện của Lãnh Thanh đều chưa cho thấy sự giàu có.

Khán giả đối sánh, cùng lên sóng với “King The Land” lấy chủ đề nhà giàu, hãy xem Lee Jun Ho phủ ngập hàng hiệu đắt đỏ, đi làm bằng trực thăng, đi siêu xe sang chảnh... Đến khi nào, phim Việt mới có được bối cảnh gây choáng ngợp như thế?

Chia sẻ về kinh phí làm phim, đạo diễn – NSƯT Trọng Trinh cho biết: “Kinh phí để sản xuất một tập phim truyền hình rất hạn hẹp. So sánh với một tập phim Hàn là quá khập khiễng. Với chi phí eo hẹp, chúng tôi còn cần phải tính toán cho cả chi phí thuê bối cảnh, đạo cụ, cát-xê diễn viên... giống như “liệu cơm gắp mắm”. Nếu phim có bối cảnh nhà giàu, phải đi thuê biệt thự quay, riêng chi phí thuê đã tốn không biết bao nhiêu mà kể”.

Đã có muôn chuyện bi hài khi đoàn phim cần quay cảnh một bữa cơm thịnh soạn nhưng trên bàn bày chủ yếu là cua nhựa, tôm nhựa... chỉ có rau là thật. Một phân cảnh diễn viên ăn uống tưng bừng phải quay đi quay lại nhiều lần, nếu mỗi đúp quay đều bày la liệt tôm, cua, sơn hào hải vị thật lên bàn để diễn viên ăn, cũng là sự tốn kém “không hề nhẹ”.

Phim truyền hình Việt có kinh phí sản xuất eo hẹp. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Chính vì kinh phí sản xuất eo hẹp, phim lấy đề tài nhà giàu rất hiếm, phim về cuộc sống siêu giàu gần như “bất khả kháng” trên màn ảnh nhỏ.

Bù lại, phim lấy bối cảnh nghèo khó, xoay quanh những mảnh đời cực khổ lại “làm mưa làm gió”, lay động cảm xúc khán giả.

Có thể kể đến, “Mẹ rơm” với câu chuyện của làm cha đơn thân của người đàn ông tật nguyền Mô Gù (Thái Hòa) lấy đi nước mắt khá giả. Dàn nhân vật là những người lao động bình dị, chân thật ở xóm chợ nghèo trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao” gây bão màn ảnh ở những tập đầu.

NSƯT Hoàng Hải chia sẻ, anh vào vai Lưu Nát gần như không phải diễn gì. Trong cuộc sống đời thường, NSƯT Hoàng Hải cũng từng trải qua nhiều khó khăn vất vả. Khi chuyển vào Đà Nẵng, thu nhập ở đoàn kịch quá thấp, NSƯT Hoàng Hải đã đi buôn, anh lái xe đường dài, bán đủ mặt hàng từ đậu xanh, lợn, quần áo... Anh trải qua quãng thời gian thua lỗ, đi mải miết khắp các tỉnh thành tìm kế mưu sinh.

Hoàng Hải chia sẻ, chính chặng đường ấy đã giúp anh tích lũy cho mình kinh nghiệm, sự quan sát để nhập vai những nhân vật như Lưu Nát có chiều sâu, tự nhiên và sinh động.

Trang phục của Lưu Nát chính là quần áo cũ của Hoàng Hải, anh giữ lại trong tủ để lưu lại những ngày mưu sinh vất vả của chính mình.

Những nhân vật nghèo khó, vất vả của màn ảnh nhỏ chạm đến trái tim khán giả. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Rất nhiều diễn viên đã phải trải qua cuộc mưu sinh vất vả để bám nghề như Hoàng Hải. NSƯT Võ Hoài Nam đang lên sóng với phim “Món quà của cha” cũng từng mưu sinh đường phố, lao động xuất khẩu, rồi kinh doanh nhà hàng để kiếm tiền nuôi gia đình.

Chất liệu từ đời thường đã giúp nghệ sĩ như Hoàng Hải, Võ Hoài Nam, Thái Hòa... vào vai số phận cực khổ giàu thuyết phục, chạm đến cảm xúc khán giả.

Cộng thêm việc tái dựng bối cảnh nghèo khó dễ xoay xở trong kinh phí sản xuất eo hẹp, phim Việt đã có những bộ phim về phận nghèo đầy chân thực, sinh động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn