MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch cảnh về tiền trong sự thua lỗ, ảm đạm của phim Việt

Mi Lan LDO | 30/08/2022 15:55

8 tháng đầu năm đánh dấu sự ảm đạm, thua lỗ của phim Việt, dù sự cạnh tranh với các bom tấn ngoại là không nhiều.

Phim Việt thua lỗ, ảm đạm giữa bối cảnh xây dựng công nghiệp văn hóa

Sau 2 năm đóng băng vì dịch COVID-19, rạp chiếu phim được kỳ vọng sẽ phục hồi từ mùa phim Tết đầu năm 2022. Thế nhưng, sau 8 tháng, hầu hết dự án phim Việt ra rạp đều thua lỗ nặng nề.

So về mặt bằng chung với nhiều năm trước đại dịch COVID-19, thị trường phim 2022 không có quá nhiều bom tấn ngoại đáng ngại. Những nền điện ảnh lớn nhất thế giới như Mỹ, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều dự án bom tấn bị đình trệ sản xuất, không kịp tiến độ ra mắt rầm rộ trong đầu năm 2022.

Hơn 20 phim Việt đã ra rạp trong bối cảnh không có quá nhiều sự cạnh tranh, thế nhưng hầu hết đều thua lỗ, thậm chí nhiều phim có doanh thu ảm đạm đến khó tin, chưa nổi 1 tỉ đồng.

Trong hơn 20 phim điện ảnh ra rạp, duy nhất chỉ có “Em và Trịnh” đoạt doanh thu trăm tỉ, nhiều “ứng viên” được đánh giá sáng giá như “Nghề siêu dễ”, “Chìa khóa trăm tỉ”... đều chỉ dừng ở con số vài chục tỉ.

Phim Việt thua lỗ, ảm đạm 8 tháng đầu năm 2022. Ảnh: MH

Đa số còn lại là những phim chỉ thu được vài tỉ đồng, phải rút khỏi rạp chiếu sớm do ế ẩm, có thể kể đến như “Kẻ thứ 3” (doanh thu xấp xỉ 1 tỉ đồng), “Mến gái miền Tây” (8 tỉ đồng), “Người lắng nghe” (2,5 tỉ đồng), “Người tình” (1,2 tỉ đồng), “Mưu kế thượng lưu” (1 tỉ đồng), “Mỹ nhân thần sách” (168 triệu đồng)...

Những con số này sau khi chia phần trăm doanh thu cho nhà rạp, sẽ còn lại số tiền ít ỏi, thua lỗ nặng so với chi phí sản xuất.

Lý do phim Việt đã và đang thua lỗ

Lý do giải thích cho sự ế ẩm nằm ở việc khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim do gần 2 năm ở nhà vì dịch COVID-19. Nhiều khán giả đã thay đổi thói quen, tìm đến niềm vui, sở thích khác khi rạp phải đóng cửa vì dịch. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến đang lên ngôi như Netflix, Vieon, iQIYI... Những nền tảng phim trực tuyến giúp khán giả chỉ cần nằm nhà cũng có rất nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất nằm ở việc, hầu hết phim Việt ra rạp đầu 2022 đều có chất lượng thấp, không có tính đột phá, hấp dẫn. Nhiều dự án khi ra rạp bị khán giả chỉ trích do kịch bản tẻ nhạt, phi lý, thảm họa.

Sự chắp vá nội dung, diễn xuất không tới, kịch bản rời rạc đã khiến nhiều dự án như “Bẫy ngọt ngào”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Kẻ thứ 3”... vừa ế ẩm, vừa hứng chịu “gạch đá” khi ra rạp.

Khi hàng loạt dự án phim Việt thua lỗ, ảm đạm biến rạp chiếu phim thành “thung lũng hoang vắng” thì kế hoạch xây dựng phát triển ngành công nghiệp văn hóa được đề ra.

Phim ảnh Việt được lựa chọn là “mũi nhọn” trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng đang thiếu tài năng trầm trọng. Ảnh: CMH

Theo đó, Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa, để từ đó tiến tới xuất khẩu thương hiệu văn hóa. Chiến lược được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Gần nhất, Thành ủy Hà Nội đã lên những kế hoạch đầu tiên để thực hiện chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, phim ảnh được đề xuất là một trong những mũi nhọn của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Nhìn vào tiềm năng của phim ảnh có thể thấy giá trị kinh tế vượt bậc mà ngành này mang đến, ở nhiều quốc gia.

Ở Hàn Quốc, giữa bối cảnh khó khăn sau dịch, họ vẫn đạt tổng doanh thu bán vé tại các rạp chiếu phim trong nửa đầu năm nay là 452,9 tỉ won (khoảng 345,07 triệu USD), tăng 143,1% so với một năm trước, đạt 48,7% của doanh thu nửa đầu năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tính đến tháng 7.2022, tổng số khán giả đến rạp Hàn Quốc là 44,94 triệu lượt, tăng 124,4% so với cùng kỳ năm ngoái (24,92 triệu lượt).

Điện ảnh đang mang lại doanh thu khổng lồ và giúp các phòng vé Hàn Quốc, Trung Quốc hồi sinh, tuy nhiên, vẫn là bài toán nan giải ở Việt Nam.

Chất lượng dự án phim từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên – điện ảnh Việt đều đang thiếu tài năng trầm trọng.

Khi không có tài năng, rất khó để nói chuyện về “tiền”, về "xuất khẩu phim", dù chiến lược “kinh tế mũi nhọn” được thông qua, và nhận được đầu tư từ nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn