MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý của dòng tiền ở phim lịch sử: "Ai cũng biết tại ai và vì sao"

Mi Lan LDO | 04/05/2022 10:53
Câu chuyện về những dự án phim lịch sử, chiến tranh đầu tư triệu USD nhưng không bán nổi vé được bàn đi bàn lại, nhưng vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát.

Sự đầu tư mạo hiểm

Hàng loạt bài học thua lỗ nhãn tiền ở các phim lịch sử, chiến tranh khiến bất cứ nhà sản xuất nào khi muốn “nhảy” vào thị phần này cũng cảm thấy run.

Những phim triệu USD do nhà nước đặt hàng không bán nổi một vé (trong một suất chiếu) phải nhanh chóng rút khỏi rạp, những phim tư nhân đầu tư “khủng” cũng “ôm hận” thua lỗ như “Dòng máu anh hùng”, “Thiên mệnh anh hùng”... khiến dòng phim lịch sử, chiến tranh mấy năm nay vắng bóng hẳn.

Mới đây, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh tuyên bố sẽ đầu tư dự án phim về Hai Bà Trưng với tự đề “Trưng Vương” (She – Kings). Bộ phim được giới thiệu sẽ thuộc thể loại huyền sử, phim phục dựng lại bối cảnh Lạc Việt cách đây hơn 2.000 năm. Dự án phim được Trương Ngọc Ánh và ê-kíp ấp ủ trong nhiều năm. Trước dịch COVID-19, nhà sản xuất đã lên kế hoạch tìm kiếm diễn viên trên toàn quốc với nhiều yêu cầu về ngoại hình, diễn xuất và các kỹ năng bổ trợ.

Trương Ngọc Ánh đầu tư sản xuất phim “Trưng Vương“, quá trình sản xuất lùi hoãn nhiều lần vì dịch. Ảnh: NSX

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Trương Ngọc Ánh cho biết chị rất tâm huyết với dự án “Trưng Vương”, nhưng nhà sản xuất thừa nhận, đây là sự mạo hiểm lớn. “Ngay khi chúng tôi bắt tay vào thì dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, mọi kế hoạch đều phải lùi lại, kinh phí đội lên. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục. Làm phim lịch sử với bối cảnh phục dựng 100% ở thời điểm hiện tại thực sự là bài toán rất khó và mạo hiểm”.

Theo tiết lộ, Trương Ngọc Ánh sẽ đảm nhận vai Trưng Trắc. Hiện, đoàn phim vẫn đang trong quá trình tìm kiếm gương mặt phù hợp với vai Trưng Nhị. Bên cạnh việc tuyển chọn diễn viên rầm rộ, đoàn phim còn dành thời gian nghiên cứu kỹ về bối cảnh, lịch sử, phục trang, đạo cụ... Riêng về các binh khí, nhà sản xuất đã phải công phu chuẩn bị từ các nguồn tư liệu nghiên cứu cổ sử.

Với kiếm khí, phần chuôi kiếm có cấu trúc chủ đạo là hình tròn với phần đầu là hình ảnh cây trâm, phần cầm tay với các móc xích lấy cảm hứng từ các mắt xích trên thạp đồng hay thắt lưng thời Đông Sơn.

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh gọi việc bán phim cho các nền tảng trực tuyến như Netflix là “xu hướng“. Ảnh: NVCC

Phải đầu tư lớn về bối cảnh, phục trang, đạo cụ, nên “Trưng Vương” có thời gian sản xuất kéo dài. Lại là dự án chịu ảnh hưởng từ dịch, Trương Ngọc Ánh cho biết, hiện vẫn chưa thể xác định được lịch cụ thể cho phim ra rạp. Trong đó, nhà sản xuất đánh giá, thời điểm này vẫn là mạo hiểm khi khán giả chưa trở lại rạp đông.

Bán phim cho các nền tảng như Netflix là một lối thoát?

Trong bối cảnh đó, những nền tảng chiếu phim trực tuyến lại phát triển rầm rộ. Khi dịch bùng phát, đông đảo khán giả đã có thói quen xem phim trực tuyến trên các nền tảng số, vừa tiện lợi, xem tại nhà, chi phí không quá đắt.

Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, “Hiện tại, nếu chỉ sản xuất phim để đưa ra rạp là rất mạo hiểm, khả năng thu hồi vốn thấp, nhất là với những phim chi phí sản xuất cao. Bởi vậy, chúng tôi cũng sẽ phải tính đến bước, ngoài việc chiếu rạp, chúng tôi sẽ bán bản quyền phim cho những nền tảng chiếu trực tuyến như Netflix hay Disney +”.

Đồng quan điểm này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng cho rằng, chỉ sản xuất phim để ra rạp ở Việt Nam hiện nay là bài toán khó. Theo đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đánh giá cơ chế nhập khẩu phim đang ưu tiên phim ngoại. Phim ngoại nhập khẩu số lượng lớn, nhiều bom tấn của Mỹ, Hàn Quốc, sức cạnh tranh cao.

Chưa kể, số lượng rạp ở Việt Nam cũng hạn chế, chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Nhiều rạp phải đóng cửa sau dịch. Bởi vậy, các nhà làm phim sẽ phải tính đến việc, bán bản quyền phim cho các nền tảng phim trực tuyến. Bộ phim “Những người viết huyền thoại” đã được bán cho Netflix sau khi ra rạp.

“Những người viết huyền thoại” được Netflix mua bản quyền. Ảnh: ĐPCC

Đánh giá nhìn nhận chung thị trường phim Việt hiện tại, những phim lịch sử, chiến tranh còn rất ít, không mấy người mặn mà, khi chi sản xuất lớn gấp nhiều lần một dự án phim tình cảm, tâm lý. Chất lượng, tài năng của các nhà làm phim cũng là câu chuyện gây tranh cãi suốt nhiều năm.

“Tôi nghĩ nếu buộc trách nhiệm này cho ai cũng khó nhưng với các nhà chuyên môn hay quản lý thì bộ phim thất bại do đâu cũng dễ đánh giá. Ai cũng biết là tại ai, tại sao nhưng vẫn luôn hỏi đi hỏi lại câu hỏi muôn thủa. Với số lượng rạp, cơ chế nhập khẩu và phát hành phim như hiện nay, sản xuất phim rạp là mạo hiểm. Trong khi đó, gu xem của khán giả Việt cũng rất khó lường” – đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.

Giới làm phim cũng đánh giá, thị trường phim Việt hiện vẫn bấp bênh, đầy rẫy khó khăn ở nhiều khâu. Từ kịch bản, đạo diễn, đến cơ chế sản xuất, phát hành phim đều đang có những bất cập.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, “Cái chúng ta thiếu là một chính sách cho ngành điện ảnh, chính sách đó là con đường để điện ảnh tự phát triển chứ không chỉ là một khoản tiền để chi mỗi năm làm vài bộ phim”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn