MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Mi Lan LDO | 02/08/2022 07:24

Cứ đến mỗi mùa xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại có thêm nhiều tranh cãi.

Nội dung tranh cãi thường xoay xung quanh chuyện cá nhân nào xứng đáng, cá nhân nào không.

Có nghệ sĩ gây tranh cãi vì được xét tặng danh hiệu khi còn quá trẻ, tên tuổi không nổi bật, “không ai biết là ai”. Lại có nghệ sĩ “vật vã” suốt nhiều năm ròng với đủ các thủ tục cứng nhắc, số lượng huy chương, hồ sơ bị “gạt lên gạt xuống”.

“Tôi không muốn trở thành NSND khi đã chết, hoặc khi đã về hưu”

Xin bắt đầu bằng câu chuyện xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ Minh Hằng. 

Cách đây 7 năm, theo yêu cầu về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND- nghệ sĩ phải đoạt 2 Huy Chương Vàng (HCV). Và theo quy định, cứ 2 Huy Chương Bạc (HCB) có thể quy đổi giá trị thành 1 HCV.

Với trường hợp của nghệ sĩ Minh Hằng (thời điểm đó là NSƯT), vào khoảng thời gian làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND (từ tháng 4 đến tháng 5.2015), Minh Hằng thiếu 1 HCB (nữ nghệ sĩ đã có 3 HCB). Đến tháng 6.2015, khi diễn ra Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc- Minh Hằng đã đoạt HCV với vai diễn trong vở “Công lý không gục ngã”.

Ngay khi Minh Hằng đoạt HCV, cơ quan chủ quản là Nhà hát Tuổi Trẻ đã gấp rút xin bổ sung HCV vào hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cho Minh Hằng, nhưng không được chấp nhận.

Cũng trong tháng 6.2015, Minh Hằng đoạt thêm HCV trong vở diễn “Cho cuộc đời bình yên” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân. Cùng lúc đoạt 2 HCV liên tiếp, nhưng nghệ sĩ Minh Hằng không thể trở thành NSND, dù hồ sơ chỉ thiếu 1 HCB.

Trả lời người viết vào thời điểm đó, năm 2015, Minh Hằng chia sẻ: “Nếu được xét tặng danh hiệu NSND kịp thời, đúng lúc, nghệ sĩ chúng tôi sẽ cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn. Tôi gắn bó với sân khấu từ năm 1979 (khi tham gia diễn viên khóa I được đào tạo tại nhà hát Tuổi trẻ). Dẫu sao, tôi cũng không muốn trở thành NSND khi đã chết, hoặc khi đã về hưu. Giá như, Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ hiểu cho rằng, nếu xét về sự cống hiến của nghệ sĩ- nên chăng hãy xét cả một hành trình dài họ cố gắng, nỗ lực với nghề chứ không chỉ xét trên vài tấm huy chương”.

Minh Hằng đã dự đoán chính xác, năm 2016 chị về hưu, và phải đến 3 năm sau – năm 2019, Minh Hằng mới được xét tặng danh hiệu NSND.

Dù không muốn, nghệ sĩ Minh Hằng chỉ được xét tặng danh hiệu NSND khi đã về hưu. Ảnh: FBNV

NSƯT Chí Trung cũng rơi vào tình cảnh ngang trái như thế. Từ 2015, anh đã “vật vã” vì những thủ tục hồ sơ xét tặng. Yêu cầu có 2 HCV, Chí Trung có 3 HCB và một giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ.

Tại Hội đồng cấp cơ sở, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung được xem xét như một HCV (vì đó là giải cao nhất trong hạng mục dành cho đạo diễn ở Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ). Và, theo quy định, cứ 2 HCB có thể quy đổi giá trị thành 1 HCV- Chí Trung đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu NSND.

Tuy nhiên, khi lên Hội đồng xét tặng ở cấp cao hơn, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung không được “xét” là một huy chương. Vì thế, hồ sơ của Chí Trung coi như bị thiếu huy chương và bị “gạt” ra, đến nay đã 7 năm.

Sau khoảng thời gian dài, khi NSƯT Chí Trung đã từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến xét tặng danh hiệu, bỗng nhiên năm 2022, anh “đột ngột” được xét tặng danh hiệu NSND. Thời điểm này, NSƯT Chí Trung cũng đã nghỉ hưu.

Suốt hành trình làm nghề, Chí Trung không đủ huy chương để được xét tặng danh hiệu NSND. Năm nay, khi đã về hưu, Chí Trung có tên trong danh sách xét tặng NSND. Ảnh: VFC

Sự tổn thương của những nghệ sĩ bị từ chối

Nhiều nghệ sĩ đến khi mất đi mới được truy tặng danh hiệu. Nhiều nghệ sĩ phải đến khi nghỉ hưu mới được xét tặng NSND.

Mùa xét tặng danh hiệu năm nay nhiều nghệ sĩ gạo cội, có bề dày thành tích bị gạt ra khỏi danh sách xét tặng danh hiệu NSND. Có thể kể đến, NSƯT Lê Thiện, NSƯT cải lương Thoại Mỹ, anh em NSƯT Quốc Cơ – Quốc Nghiệp...

Trong đó, NSƯT Lê Thiện sinh năm 1945,  tham gia đoàn Văn công Nam bộ từ năm 11 tuổi. NSƯT Lê Thiện cùng nhiều nghệ sỹ Việt Nam đi lưu diễn tại nhiều nước trong thời kỳ chống Mỹ. Sau 1975, bà về công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tham gia nhiều vở diễn. NSƯT Lê Thiện từng giữ vai trò trưởng Đoàn Cải lương xung kích, bà và cộng sự đi biểu diễn phục vụ khắp vùng sâu vùng xa, biên giới…

NSƯT Lê Thiện không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND. Ảnh: NSX

NSƯT Thoại Mỹ đã gắn bó với sân khấu cải lương từ lâu. Thoại Mỹ đảm nhận nhiều vai diễn chính trong những vở cải lương kinh điển. Thoại Mỹ còn đứng sau sân khấu, truyền cảm hứng, truyền lửa yêu nghề đến thế hệ trẻ. Không chỉ góp phần xây dựng, bảo vệ, gìn giữ cải lương, NSƯT Thoại Mỹ còn tham gia giảng dạy, truyền nghề.

Anh em NSƯT Quốc Cơ – Quốc Nghiệp cũng bị “đánh trượt” trong danh sách xét tặng NSND, dù dành được nhiều kỷ lục thế giới, mang lại vị thế mới cho ngành xiếc Việt Nam.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn