MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đông đảo các giáo dân tại giáo xứ Tôn Đạo (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) tham gia lễ giao thừa tại nhà thờ. Ảnh: Diệu Anh

Người Công giáo ở Ninh Bình đón Tết cổ truyền của dân tộc như thế nào?

DIỆU ANH LDO | 22/01/2023 09:24

Ninh Bình - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 150.000 giáo dân (chiếm 23,33% dân số toàn tỉnh). Mỗi độ Tết đến xuân về, người Công giáo ở Ninh Bình đón Tết Nguyên đán với những nét riêng độc đáo nhưng vẫn hội nhập cùng truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trong không khí cả nước đón Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023,  người Công giáo ở Ninh Bình cũng rộn ràng chuẩn bị đào hoa, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ… Song bên cạnh đó, họ còn có cách đón năm mới rất riêng, đó là chuẩn bị tâm hồn trong sáng, dọn mình xưng tội, làm nhiều việc bác ái như thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo khó, người khuyết tật…

Những giáo dân ở đây tin rằng đó là những việc làm để lại may mắn cho con cháu và phúc phần cho chính mình sau này. Do đó, các xứ đạo ở Ninh Bình tổ chức các hoạt động như: gói bánh chưng, chung tay mua quà để trao tặng cho những người neo đơn, người khuyết tật, người nghèo khó...

Người Công giáo ra vườn Thánh thắp hương cầu nguyện cho người đã khuất. Ảnh: Diệu Anh

Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là địa phương có đông giáo dân nhất Ninh Bình. Vào chiều 30 Tết, những người dân Công giáo ở đây tất bật lau chùi sạch sẽ bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ gia tiên để sẵn sàng chào đón một năm mới.

Anh Hoàng Đức Đông (trú tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn) cho biết, cả gia đình anh gồm 5 người đều là người Công giáo, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, thường là từ ngày 25 - 30 tháng Chạp, tất cả các gia đình Công giáo ở đây đều tất bật, dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ gia tiên và sắm sửa để đón chào một năm mới bình an.

Đồng thời, các gia đình Công giáo sẽ đi ra Đất Thánh (người công giáo gọi nghĩa trang là Đất Thánh - PV) để dọn dẹp vệ sinh, quét sơn những ngôi mộ của gia đình, dòng họ... sau đó thắp hương, cắm hoa tưởng nhớ đến người thân đã mất.

"Tối 30 Tết, các gia đình Công giáo sẽ thắp hương và nến tại bàn thờ gia tiên và bàn thờ Thiên Chúa. Trước thời điểm giao thừa các gia đình Công giáo đều có Thánh Lễ đón giao thừa để tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria tại nhà thờ. Những người già yếu không đi nhà thờ được thì ở nhà đọc kinh cầu nguyện" - anh Đông chia sẻ.

Cũng theo anh Đông, thời khắc giao thừa tất cả các nhà thờ trong toàn giáo phận Phát Diệm đều đổ chuông để chào đón năm mới. Ngày mùng 1 Tết mọi người đều đến nhà thờ để dự lễ đầu năm, cầu xin Thiên Chúa mẹ Maria để xin cho một năm mới tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, xin cho mọi người trong giáo xứ, giáo họ, trong mỗi gia đình có sức khỏe, bình an, hạnh phúc... xin cho đất nước được thanh bình, an vui, hạnh phúc...

Trong các ngày từ mùng 2 đến 6 Tết tùy theo từng gia đình từng dòng họ lại ra Đất Thánh thắp hương, hoa...đọc kinh viếng gia tiên tại mộ phần của gia đình dòng họ (Người công giáo ở đây gọi là đi nhận Tiên Nhân - PV) sau đó về nhà con trưởng hay trưởng họ đọc kinh cầu nguyện cho Tiên Nhân.

Theo Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê, Chính xứ tôn đạo (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình có 79 giáo xứ, 361 giáo họ với trên 150.000 giáo dân.

Giáo dân hái lộc Xuân là những lời Chúa dạy về đạo đức, yêu thương, bình an, hạnh phúc... Ảnh: Diệu Anh

Tết cổ truyền của người Công giáo thường có 4 lễ chính, bao gồm: Lễ giao thừa, được tổ chức vào đêm 30 Tết; Lễ Tân niên, được tổ chức vào ngày mùng 1 Tết; Lễ kính nhớ tổ tiên, được tổ chức vào ngày mùng 2 Tết và Lễ Thánh hóa công ăn việc làm, được tổ chức vào ngày 3 Tết.

Trong, Lễ giao thừa, cha xứ cử hành Thánh lễ đón Giao thừa tại nhà thờ. Bà con giáo dân quy tụ chung dưới ngôi thánh đường. Sau những nghi lễ tôn giáo, các giáo dân sẽ lên hái lộc Xuân.

Lộc xuân là những lời Chúa dạy về đạo đức, yêu thương, bình an, hạnh phúc... được in trang trọng và đính trên cây lộc đặt gần nơi cha xứ làm lễ. Lộc xuân được giáo dân đem về đặt tại nơi trang trọng trong nhà mình, coi đó như tôn chỉ mục đích sống tốt lành cho cả năm.

"Người Công giáo không có quan niệm chọn ngày xông nhà đầu năm mới và không kiêng ngày nào là ngày xấu. Với họ, mọi ngày đều là tốt đẹp nếu như mình ăn ở hiền lành, phúc đức. Vì thế, kể các ngày mà nhiều người kiêng kỵ thì người Công giáo vẫn đi chúc Tết, vẫn tổ chức các công việc bình thường" - Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn