MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trình du lịch trái phép trên đất trồng cây lâu năm buộc phải tháo gỡ, thiệt hại hàng tỉ đồng. Ảnh: Bảo Lâm

Người dân, doanh nghiệp gặp khó trong phát triển du lịch ở Tây Nguyên

Nhóm PV LDO | 15/06/2024 09:00

Tây Nguyên có thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ gắn với bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là điều kiện tốt cho người dân, doanh nghiệp khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông trong quá trình phát triển du lịch sinh thái đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Thực trạng khó khăn của người dân, doanh nghiệp

Trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều người dân, doanh nghiệp mong muốn được làm du lịch. Tuy nhiên, phần thì người dân, doanh nghiệp chưa trang bị cho mình đủ kiến thức pháp luật, phần thì vướng mắc trong công tác quy hoạch nên việc phát triển du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa phát huy hết tiềm năng.

Khu du lịch thác Đắk Glung nằm ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã được doanh nghiệp rót cả trăm tỉ đồng đầu tư nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Ông Lương Thành Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành, ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho rằng, tại đây chỉ có sóng Viettel, nhưng chất lượng kém, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh và trải nghiệm của du khách. Giao thông hư hỏng nặng nề và hiện mới có kế hoạch bố trí vốn để đầu tư, nâng cấp.

Công tác quy hoạch chưa thực tiễn, chưa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch. Nếu toàn bộ quy hoạch xây dựng phải nằm trong đất thương mại dịch vụ là rất khó, vì bản chất du lịch sinh thái là hài hòa cùng thiên nhiên, không thể tách rời.

Tháng 1.2023, anh Đoàn Ngọc Vĩ, đã mở cửa trang trại chăn nuôi ngựa, kết hợp cho khách tham quan, trải nghiệm. Dù được nhiều người dân đón nhận là một điểm du lịch sinh thái nhưng sau thời gian hoạt động ngắn ngủi thì trang trại bị đóng cửa vì chưa được cấp phép.

Ông Bùi Văn Bình - một hộ dân đang sinh sống ở thôn 4 xã Cư Êbur - cho biết, trại chăn nuôi ngựa kết hợp du lịch này chỉ hoạt động được khoảng 1 tháng thì phải đóng cửa. Lúc đầu, du khách đổ về từng đoàn từng đoàn, cả khu vực này nhộn nhịp. Nhiều người dân trong khu vực được tạo công ăn việc làm, lương ổn định.

Theo anh Vĩ, trang trại này rộng gần 3,7ha trong đó, có 5.800m2 đã xin chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Từ những ngày đầu nhận chuyển giao khu đất này, anh Vĩ dồn hết gia tài xây dựng trại ngựa “Đoàn Thành Horse Farm”. Do nóng vội nên anh đã xây dựng điểm check in du lịch không đúng quy định bởi khu vực này thuộc quy hoạch đất khoáng sản và vật liệu xây dựng trong khi theo quy hoạch sử dụng đất thì nơi đây thuộc khu vực trồng cây lâu năm và cây hằng năm. “Khai trương trang trại ngày 22.1.2023 thì đến 20.3.2023 cùng năm chúng tôi đã đóng cửa. Nhiều lao động có việc làm buộc nghỉ việc” - ông Vĩ tiếc nuối nói.

Mong mỏi của người làm du lịch

Hiện anh Vĩ đã làm đề án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tham quan, học tập trải nghiệm theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch... “UBND xã Cư Êbur đã rà soát, kiểm tra và đề xuất mô hình “liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp” của chúng tôi và trình lên UBND thành phố. Thế nhưng, sau khoảng 1 năm kể từ ngày đề án được gửi đi, chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả cuối cùng” - anh Vĩ cho biết.

Ông Vũ Ngọc Vinh, đang quản lý một điểm du lịch sinh thái ở huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, hiện nay du khách, nhất là ở thành phố rất thích về những vùng quê để du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp muốn làm một điểm dừng chân để du khách ngồi uống nước, đi vệ sinh, hay ngủ lều bạt trên đất rừng, đất nông nghiệp thì đều là hành vi vi phạm về trật tự xây dựng và mục đích sử dụng đất.

Với những khó khăn đang gặp phải, ông Lương Thành Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành - kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông và các sở, ngành cần đồng bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng. Qua đó, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đầu tư và từng bước hoàn thành những thủ tục pháp lý kèm theo. Đặc biệt, các ngành chức năng cần hướng dẫn đơn vị điều chỉnh lại dự án theo đúng quy hoạch, phù hợp với thực tế, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn