MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Mông hoa với những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu và hoa văn độc đáo.

Người Mông Hoa với tâm niệm gìn giữ bản sắc trang phục

Nguyễn Tùng LDO | 10/04/2023 14:43

Tuyên Quang - Với người Mông Hoa, trang phục không chỉ là cái mặc, mà còn là của cải gia truyền, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Nổi bật trong đó là những kỹ thuật thêu hoa, vẽ sáp để tạo nên tấm thổ cẩm truyền thống đang tích cực được gìn giữ cho thế hệ sau.

Khát vọng về cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn

Bà Cù Thị Triệu năm nay 62 tuổi, được biết đến là một trong những người làm váy áo giỏi nhất ở bản Khuổi Khít (Yên Sơn, Tuyên Quang). Bà rất dẻo tay thêu và ghi nhớ tất cả công đoạn làm nên bộ trang phục truyền thống. 

Người phụ nữ Mông Hoa chính là tác giả của những bộ váy áo truyền thống rực rỡ sắc màu. Từ việc cắt, khâu, phối màu sắc, tạo hình, vẽ sáp ong, thêu hoa văn, người phụ nữ vừa là người trực tiếp sáng tạo nhưng cũng là người truyền dạy lại những tinh hoa của dân tộc cho những thế hệ kế cận.

"Tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật như vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu, ghép vải và phối màu. Sau khi thêu xong những bộ phận riêng biệt, sẽ đến bước chắp ghép hoa văn, tạo sóng và cuối cùng là chắp may" - bà Triệu chia sẻ.

Đa số kỹ thuật thêu, nhuộm và vẽ sáp ong trên thổ cẩm hiện nay còn lưu giữ bởi những người Mông hoa có tuổi. 

Người Mông Hoa thường dùng chỉ thêu màu đỏ, hồng, vàng cam, xanh lá mạ, trong đó đỏ tươi là màu chủ đạo. Màu đỏ làm người Mông hoa nổi bật trước đám đông, cũng là biểu trưng cho sự ấm áp no đủ hạnh phúc và khát vọng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Khi làm trang phục, các họa tiết hoa văn dùng để trang trí cũng rất đa dạng như hình bông hoa, ô chéo, chữ nhật, ô vuông, chữ thập, nhưng được sử dụng nhiều nhất là hình chữ nhật xen kẽ những dải hoa thêu lớn và đường thêu rích rắc hình đồi núi.

Trước kia, trang phục người Mông Hoa được làm bằng vải lanh. Tuy nhiên, hiện nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách trang trí, tạo hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

Khó nhất là trao truyền lại kỹ thuật thêu dệt

Đồng bào Mông nói chung quan niệm, con gái thì phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Người phụ nữ giỏi may, thêu sẽ được đề cao, tôn trọng, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ.

Kỹ thuật vẽ sáp ong và thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ. 

Chính vì vậy, trẻ em gái dân tộc Mông Hoa ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống để đến khi lấy chồng sẽ may được những chiếc váy làm của hồi môn.

Khi tròn 10 tuổi, em Giàng Thanh Thùy đã được bà nội và mẹ dạy thêu. Thuỳ vẫn nhớ ngày mới biết cầm kim, căng vải, bỡ ngỡ đưa những mũi kim đầu tiên. Đến nay, em đã tự thêu được hoa văn lên váy áo cho mình.

Bàn tay khéo léo, cẩn thận vẽ những đường sáp ong trên tấm thổ cẩm, Thanh Thuỳ cho hay: “Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em lại học chấm sáp ong, học thêu hoa văn. Giờ đã thêu thuần thục, em muốn học thêm chắp may để có thể tự tay hoàn thiện bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình".

Người Mông hoa tâm niệm phải gìn giữ và trao truyền được kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Ông Ma Ngọc Trân - Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết - cho biết, toàn xã có hơn 400 hộ dân tộc Mông, trong đó có những thôn bản phần nhiều là đồng bào Mông hoa cùng sinh sống từ nhiều đời nay.

"Ngày nay, đồng bào Mông đã biết phát triển kinh tế, đời sống vật chất được nâng cao nên cũng có điều kiện gìn giữ những nét văn hoá riêng biệt của dân tộc mình mà điển hình là trang phục thổ cẩm được thêu dệt, tạo hình cầu kỳ từ vẽ sáp ong" - ông Trân chia sẻ.

Tuy vậy, vị chủ tịch xã cũng thừa nhận, cái khó nhất bây giờ là trao truyền lại những giá trị văn hoá, kỹ thuật thêu dệt cho lớp trẻ. Bởi bây giờ không còn nhiều người trẻ mặn mà với việc này, họ đi làm ngoài xã hội và có nhiều thứ khác để bận tâm.

Tháng 8.2022, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với người Mông nói chung và người Mông Hoa nói riêng, đây là sự ghi nhận của cộng đồng và cũng là vinh dự, động lực để họ gìn giữ và phát huy di sản đã được trao truyền nhiều đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn