MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người phụ nữ Bana hơn 40 năm cần mẫn giữ nghề dệt thổ cẩm

NGUYỄN TRI LDO | 13/02/2021 10:00
Đến nhà chị Đinh Thị Đem, người Bana ở khu phố Klot-pok (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) lúc nào cũng bắt gặp người phụ nữ đã ngoài 50 này cần mẫn bên khung cửi.

This browser does not support the video element.

Học dệt thổ cẩm từ mẹ

Từ khi mới 12 tuổi, cô bé Đinh Thị Đem đã được mẹ và chị hai dạy cho cách kéo sợi, dệt thổ cẩm, bố trí hoa văn trên áo, váy theo truyền thống của người Bana K’riêm. Tính từ đó đến nay, chị có gần 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình.

Đặc biệt, ngày xưa quần áo không “hiện đại” như bây giờ, đa số phụ nữ mặc váy, còn nam mặc khố. Người nào biết dệt, biết đan mới có quần áo mặc, nên số người biết dệt rất đông.

Người Bana K’riêm dệt vải từ bông. Trải qua nhiều công đoạn, quả bông được phơi khô, bông được kéo ra và quay thành sợi, vì thế 1 tháng chưa chắc đã dệt được 1 bộ.

Theo chị Đem, cách dệt thổ cẩm của người Bana tương đối giống với một số dân tộc khác như Chăm H’roi, H’rê… Nhưng hoa văn, họa tiết trang trí lại có nhiều nét khác nhau.

Để làm một sản phẩm hoàn chỉnh, chị Đinh Thị Đem dệt nhanh cũng phải mất 2 - 3 tuần. Ảnh: N.T

Thổ cẩm của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng.

Người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.

Lớp trẻ thờ ơ với nghề truyền thống

So với trước đây, nguyên liệu dệt thổ cẩm (chỉ, len) hiện nay được bán khá nhiều ở thị trường với đủ màu sắc, vừa bền đẹp lại vừa rẻ. Thời gian để hoàn thành một bộ áo, váy nữ và áo, khố nam đã được rút ngắn.

Tuy nhiên, số lượng người thạo nghề dệt thổ cẩm bây giờ lại khá ít, đặc biệt là lớp trẻ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là vì hiệu quả kinh tế không cao nên lớp trẻ không mặn mà.

Để làm một sản phẩm hoàn chỉnh, dệt nhanh cũng phải mất 2 - 3 tuần, lại chỉ bán từ 1,8 - 2,5 triệu đồng, khá thấp so với đi làm công nhân, thợ hồ. Chưa kể, sản phẩm dệt thổ cẩm hiện không có đầu ra ổn định.

Vì tình yêu với nghề, chị Đem vẫn hằng ngày gắn bó với khung cửi, dệt nên những bộ váy, áo… thổ cẩm đa màu sắc.

Những sản phẩm do chị làm ra được nhiều người đón nhận không chỉ vì mẫu mã phong phú, hoa văn đa dạng, giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền và thẩm mỹ của người vùng cao, mà những tấm áo, váy của chị luôn giữ được nét văn hoá truyền thống đặc trưng của người Bana.

“Năm nay, tôi dệt được hơn 20 bộ áo, váy nữ; áo, khố nam và cả chăn, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Tôi rất vui khi sản phẩm làm nên được nhiều người đón nhận và đặt hàng” - chị Đem khoe.

Đến nhà chị Đinh Thị Đem, lúc nào cũng bắt gặp người phụ nữ đã ngoài 50 này cần mẫn bên khung cửi. Ảnh: N.T

Hiện, ngoài xem nghề dệt thổ cẩm là nghề chính mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, chị Đinh Thị Đem còn nỗ lực truyền nghề cho con, cháu trong gia đình và ở địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống do ông, bà xưa để lại.

Ông Nguyễn Đình Thảo - Trưởng Phòng VH&TT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hiện nay, những người dệt thổ cẩm thành thạo, tay nghề khá như chị Đinh Thị Đem ở thị trấn Vĩnh Thạnh không còn nhiều.

Đặc biệt, trong bối cảnh sản phẩm thổ cẩm tiêu thụ có phần chậm dần, nhưng chị Đem vẫn sống tốt với nghề nhờ sự tâm huyết và trách nhiệm trong việc lưu giữ, phát huy tốt giá trị văn hóa độc đáo trên mỗi loại sản phẩm do chính mình làm nên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn