MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người phụ nữ Ê Đê làm sống lại nghề dệt thổ cẩm của dân tộc

Phan Tuấn LDO | 20/02/2023 09:45

Chị H’Ler Êban, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) không chỉ giúp cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê sống lại mà còn đưa sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc đến tay người tiêu dùng khắp bốn phương. 

Nhà may của chị H'Ler tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, giữ gìn phát huy nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thơ Trịnh

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Chị H’Ler Êban (SN 1975), ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Hiện nay, chị đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Những năm qua, người phụ nữ người Ê Đê này đã dốc hết tâm trí, sức lực để giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc được sống lại.

Theo chị H’Ler, nghệ dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê đã có từ rất lâu đời. Năm 2011, khi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, chị mới có dịp đi công tác và tiếp xúc với nhiều người dân Ê Đê ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua những lần đi thực tế ấy, bản thân chị H’Ler lo lắng cho tình trạng nghề dệt thổ truyền thống của dân tộc đang bị mai một. Bởi các nghệ nhân dệt thổ cẩm của người Ê Đê ngày càng ít dần.

Mặt khác, để hoàn thành được một tấm vải phải mất cả tuần mới làm xong. Tuy nhiên, sau khi dệt xong, người dệt cũng không biết bán cho ai nên không có thu nhập. Do đó, nhiều nghệ nhân đã rời bỏ nghề dệt thổ cẩm truyền thống để tìm cho mình công việc khác. 

“Nếu như tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chỉ cần một thời gian rất ngắn nữa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê sẽ bị “khai tử”. Khi đó, giá trị văn hóa truyền thống cũng dần biến mất” - chị H'Ler chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, vào năm 2018, chị H'Ler đã dùng tất cả nguồn thu nhập của gia đình để thành lập nhà may Amí Sia. Từ đây, chị đã tập hợp nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh dệt thổ cẩm để bán cho mình.

Chị H’Ler yêu cầu các nghệ nhân phải thể hiện được các hoa văn, họa tiết truyền thống của dân tộc mình trên mỗi sản phẩm. Sau khi các nghệ nhân hoàn thành dệt thổ cẩm, chị H’Ler đã mang về và tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục cách tân với phong cách hiện đại, "hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Sau khi hoàn thành các mẫu trang phục cách tân, chị H’Ler đã chụp hình, đăng bán lên các trang mạng xã hội thì nhận được sự thu hút, chia sẻ của rất nhiều người. Từ những hình ảnh đăng tải này, đã có rất nhiều người liên hệ hỏi mua trang phục truyền thống của chị.

Chị H’Ler cho hay: “Có rất nhiều người dân tộc kinh và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, thậm chí nhiều Việt kiều ở nước ngoài nhau thích thú, đặt mua các sản phẩm trang phục thổ cẩm của tôi”.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, nhà may Amí Sia của chị H’Ler đã bán hơn 2.500 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Hàng năm chị H'Ler đã bán được khoảng 500 bộ thổ cẩm cho người dân ở trong nước và kiều bào ngoài nước. Ảnh: Thơ Trịnh

Giúp bà con sống với nghề dệt thổ cẩm

Theo chị H’Ler, khách hàng của sản phẩm trang phục thổ cẩm chủ yếu là nữ giới nên đòi hỏi sự thẩm mỹ và tính thời trang rất cao.

Do đó, để trang phục thổ cẩm phù hợp với thị hiếu thời trang thì chị không ngừng nghiên cứu, học hỏi. Việc này nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp với mọi lứa tuổi, thời tiết, môi trường làm việc khác nhau...

Trung bình mỗi năm, nhà may Amí Sia đã bán ra trên 500 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong nước và bà con Việt Kiều ở Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan.

Hiện nay, tiệm may của chị H'ler đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị H’Sara Byă (SN 1992), trú tại buôn Jung A, xã Ea Ktur cho biết, gia đình chị có 4 người nhưng không có đất sản xuất nên mọi người trong nhà quanh năm đi làm thuê, cuốc mướn, thu nhập khi có khi không.

Cho đến khi nhà may Amí Sia ra đời, chị đã được đào tạo nghề miễn phí. Hiện chị H’Sara Byă có nguồn thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.

Bà Bùi Thị Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư Kuin cho biết, mô hình “Nhà may thổ cẩm Amí Sia” có ý nghĩa rất lớn lao trong việc duy trì nghề dệt truyền thống của người Ê Đê và tạo công ăn việc làm cho một số nghệ nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn