MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Việt và đám đông cuồng nộ, giận dữ trên không gian mạng

Hào Hoa LDO | 16/11/2021 16:29
Người Việt không còn xa lạ với những đám đông cuồng nộ, giận dữ chỉ chực lao vào chỉ trích, thóa mạ một nhân vật không làm vừa lòng họ, trên không gian mạng.

Chúng ta đang dung túng cho đám đông cuồng nộ?

Có thể bắt đầu câu chuyện từ trận đấu Việt Nam – Nhật Bản ở lượt năm bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực Châu Á trên sân Mỹ Đình tối 11.11, trọng tài Hassan Mohammed quyết định từ chối bàn thắng thứ 2 của Nhật Bản sau khi xem VAR.

Thử tưởng tượng, nếu ông Mohammed công nhận bàn thắng này, có lẽ ngay trong đêm ấy, trang cá nhân của ông đã bị một đám đông cuồng nộ tấn công. Điều này đã từng có tiền lệ.

Trước đó, ngày 7.6, đội tuyển Việt Nam có cuộc chạm trán với đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022. Trận đấu kết thúc với phần thắng 4-0 nghiêng về tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, trong hiệp 1 trận đấu, trọng tài người Kuwait Ahmad Alali đã bỏ qua pha va chạm của cầu thủ đến từ đội tuyển Indonesia, khiến Tuấn Anh phải rời sân. Quyết định này của trọng tài Alali đã thổi bùng lên cơn giận của đám đông cuồng nộ tự mạo danh là khán giả hâm mộ bóng đá.

Tổ trọng tài bắt trận Việt Nam - Indonesia hồi tháng 6. Trọng tài chính đã bị cộng đồng mạng Việt Nam tràn vào trang cá nhân buông lời xúc phạm. Ảnh: LĐ

Ngay trong đêm, đám đông cuồng nộ đã tấn công trang cá nhân của cả trọng tài Alali và cầu thủ đội tuyển Indonesia. Họ liên tục thể hiện sự giận dữ bằng những lời bình luận khiếm nhã, nhiều người thậm chí còn xúc phạm tôn giáo, quốc tịch của trọng tài người Kuwait.

Không rõ từ khi nào, trên mạng xã hội của người Việt đã tồn tại một đám đông luôn cuồng nộ và giận dữ. Họ có thể tấn công bất cứ ai, bất cứ khi nào, thậm chí bất chấp cả lý do.

Năm 2017, ca sĩ Tùng Dương từng bị bủa vây giữa đám đông giận dữ khi phát ngôn cho rằng, nếu tất cả đều đắm đuối nghe bolero thì đó là dấu hiệu thụt lùi của âm nhạc. Sau phát ngôn này, Tùng Dương không chỉ phải đối diện với một cuộc khẩu chiến trong giới về nhạc bolero mà còn phải đối diện với sự chỉ trích dữ dội của đám đông, suốt thời gian dài.

Diễn viên Phương Oanh tâm sự, cô bị sốc khi bị đám đông trên mạng tấn công chỉ vì nhân vật Phương Nam (Hương vị tình thân) của cô có ngoại hình thừa cân, nhìn xấu hơn các nhân vật trước đó.

Phương Oanh chia sẻ, cô bị stress kéo dài, thậm chí òa khóc trong đêm khi ám ảnh trước những câu chỉ trích nặng nề từ đám đông.

“Họ có vấn đề gì về tâm lý không?”

Khi bị đám đông bủa vây, chỉ trích, ca sĩ Tùng Dương cho biết: “Tôi đã khá bất ngờ, bởi tôi chỉ đơn giản muốn bày tỏ quan điểm của mình về âm nhạc. Ai cũng có quyền được bày tỏ quan điểm riêng của mình, ngay cả khi quan điểm đó không giống với số đông”.

Từng đứng giữa tâm điểm bị chỉ trích, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ với Lao Động, anh chỉ mong có được sự bao dung, công tâm, cách cư xử “fair-play” từ công chúng. Ảnh: FBNV

Với diễn viên Phương Oanh, chia sẻ về những ngày bị tấn công tập thể, cô nói: “Đó không phải là góp ý, đó rõ ràng là cuộc tấn công, mạt sát đầy ác ý. Tôi tự hỏi, họ có vấn đề gì về tâm lý không? Có phải họ bị ức chế, bị áp lực ngoài đời sống, không có nơi nào xả giận, nên họ lên mạng để làm điều đó không?”.

Giới chuyên gia tâm lý từng phân tích, những người là “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội rất hùng hồn, giận dữ mắng nhiếc người khác, đôi khi lại sống rụt dè, ít nói ngoài đời.

Khi lên mạng xã hội, được ẩn núp trong những “nickname” ảo, họ nghĩ không ai biết đến mình, họ hùa theo đám đông, trút xả hết tức giận, sống với những góc tăm tối nhất trong suy nghĩ, hành vi.

Khi chuyện này bị kéo đi quá xa, đó chính là bạo lực trên không gian mạng. Đám đông hỗn loạn, cuồng nộ đã thể hiện lớp vỏ bọc của những suy nghĩ hạn hẹp. Trong nhiều trường hợp, đơn cử như vụ việc liên quan đến trọng tài Kuwait và cầu thủ Indonesia, đám đông giận dữ đã trực tiếp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc thể.

Đi qua thời điểm bị “ném đá” tập thể, cả Phương Oanh và Tùng Dương đều mong sự bao dung, độ lượng ở cộng đồng, vì sự khuyết thiếu, sai sót có ở tất cả chúng ta, dù nổi tiếng hay không nổi tiếng.

Phương Oanh sốc và stress kéo dài vì bị chỉ trích nặng lời từ đám đông trên mạng. Ảnh: FBNV

Khi bạn giận dữ, dùng những lời lẽ nặng nề, hùa theo một đám đông để bắt nạt, trù dập một cá nhân nào đó – chính là lúc bạn thể hiện rõ rệt nhất sự méo mó, khuyết thiếu của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn