MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ thất truyền nghề truyền thống ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 01/05/2023 18:09

Đắk Lắk - Bao đời nay, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người Ê Đê tại Tây Nguyên luôn gắn bó mật thiết với nghề đan lát. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một, rất khó tìm được thế hệ kế cận để bảo tồn, gìn giữ.

Trong ngôi nhà gỗ cấp 4 đơn sơ, có dấu hiệu xuống cấp sau hàng chục năm dãi nắng dầm mưa, ông Y Sơn Niê (Xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: "Nghề đan lát truyền thống giờ khá ít người làm. Kinh tế xã hội phát triển người ta chuộng những thứ khác mới mẻ, bắt mắt chứ ít ai chọn mua, sử dụng những đồ làm thủ công, tốn kèm thời gian như thế này.

Tôi nay đã già yếu, ngoài việc đan lát kiếm ít đồng mưu sinh qua ngày thì chỉ muốn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông bao đời truyền lại nhưng chẳng thể kiếm được người phù hợp. Lớp trẻ giờ có ai mặn mà với nghề này đâu".

Nghề đan lát đang đứng trước nguy cơ suy tàn. ảnh: Bảo Trung

Ở tuổi 74, ông Y Sơn là một trong số ít người Ê Đê ở Đắk Lắk còn giữ, đeo bám với nghề đan lát. Để làm ra một sản phẩm cá nhân ông phải cần cù, tỉ mẫn ít nhất 4 đến 5 ngày. Sản phẩm nào kỳ công thì còn lâu hơn nhưng lãi thì ít. Ví như chiếc gùi đeo trên lưng mất gần cả tuần vót tre, đan lát... và hoàn thiện mẫu mã nhưng rồi ông Y Sơn cũng bán chỉ được 200.000-300.000 đồng/chiếc.

Người đồng bào dân tộc Ê đê lên rừng tìm vật liệu về để đan lát. Ảnh: Bảo Trung

Được biết, bao đời nay, những sản phẩm đan lát như gùi, giỏ… là vật dụng gắn chặt với cuộc sống hằng ngày của đồng bào Ê đê ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Nhưng theo tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế xã hội, ngay cả những người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cũng ít khi sử dụng nhưng món đồ được đan lát. Như ông Y Tai, cũng chỉ thường xuyên làm lồng nuôi gà, vì thi thoảng có người mua.

Ông Y Tai Adrơng TAI ADRƠNG (Xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nói thêm: "Người biết đan lát như chúng tôi đa số đều già yếu rồi và ngay cả tôi chỉ đan lát lúc nhàn rỗi. Để đan gùi, giỏ thường chỉ dùng nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, lồ ô…. Nhưng những vật liệu này ngày càng khan hiếm. Bán đã khó, cộng thêm sự phát triển của sản phẩm hiện đại cùng loại bằng nhựa, nhôm, inox… đã khiến cho nghề đan lát này truyền thống dần bị mai một".

Ở Đắk Lắk hiện chỉ còn rất ít người biết làm nghề đan lát. Ảnh: Bảo Trung

Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thông tin, để làm sản phẩm đan lát hoặc dệt thì người thợ đôi khi mất nhiều tháng mới hoàn thiện nhưng bà con chỉ có tổng thu nhập rất thấp chỉ từ 5 đến 6 triệu đồng. Thực tế, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế từ nghề đan lát rất ít. Cơ quan chức năng tại địa phương đang cố gắng bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống này.

Cứ 2 năm một lần, TP.Buôn Ma Thuột lại tổ chức Ngày hội Văn hoá – Thể thao các dân tộc thiểu số, nhằm quảng bá, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc với nhiều nội dung thi như cồng chiêng, văn nghệ dân gian, giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm... Tuy nhiên, số nghệ nhân tham gia môn thi đan lát ngày càng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn