MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bên phải) và họa sĩ Đào Hải Phong. Ảnh do họa sĩ Đào Hải Phong cung cấp

Nguyễn Huy Thiệp - “ông Vua” truyện ngắn đã về trời!

Việt Văn LDO | 22/03/2021 07:36
Trước khi bị tai biến 1 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều năm dài gần như ở ẩn, dù thi thoảng vẫn có một vài truyện ngắn xuất hiện trên một số tờ báo Tết. Ông cũng viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, viết phê bình; nhưng di sản lớn nhất ông để lại vẫn là truyện ngắn.

Ma lực của con chữ

Nguyễn Huy Thiệp là một cái tên từng làm dậy sóng văn đàn Việt Nam, một người nói như nhà văn Nguyễn Việt Hà (tác giả “Cơ hội của Chúa”) thì “chỉ cần viết 3 truyện ngắn đã thành nhà văn”. Ông đã ghi, không, đúng hơn là tạc dấu ấn vào văn học đương đại Việt Nam với hàng loạt truyện ngắn xuất sắc, mà tốn nhiều miệng lưỡi thế gian hơn cả là “Tướng về hưu”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Muối của rừng”…

Hàng nghìn bài báo bàn tán về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Và dù ở chiều nào, người ta phải thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng. Ông đã nhìn lại những biến cố lịch sử của dân tộc Việt theo góc nhìn riêng với cách lý giải riêng. Ông đã vẽ lại các nhân vật lịch sử với những chi tiết rất đời, thậm chí “trần trụi” trong những truyện tạm gọi là truyện dã sử như truyện về Vua Quang Trung.

Truyện của ông hấp dẫn, mang màu sắc liêu trai và đầy đủ ma lực của những con chữ, với lối hành văn rất cộc, rất thô, kiểu, “tôi bảo, ông bảo”; nhưng khi cần thể hiện khả năng tả cảnh tả tình, ông chấm phá thật khéo mà như bao nhà phê bình đã khen đứt lưỡi từ “thao thiết” như một sáng tạo ngôn từ độc đáo của Thiệp; mà thực ra nó cũng... vừa phải thôi. Tôi lại bị ám ảnh bởi truyện ngắn “Không có Vua”, mà sau này ông viết thành kịch, với sự mô tả hiện thực nghiệt ngã với sự hỗn loạn cùng chung sống trong một gia đình, với chi tiết “ai đồng ý bố chết giơ tay” thật đắt giá.

Văn của ông Thiệp lạnh lùng, lắm khi tàn nhẫn đến ghê người, nó giải phẫu sự xấu xa thẳm sâu trong mỗi cá nhân đến từng mi li mét. Nó làm nhiều độc giả hoảng kinh: Không lẽ trên đời có loại người như thế à! Nhưng thói đời vẫn thế, sự xấu xa độc ác bao giờ cũng ghim dấu ấn vào lòng độc giả mãnh liệt hơn cái tốt, người tốt.

Văn là người, không hẳn là chính xác, nhưng chí ít nó cũng phản ánh một góc nào đó của tác giả - góc nhìn nhân sinh xuất phát từ nguồn gốc dân tộc học, môi trường sống và nền tảng - sự tích luỹ văn hóa của cá nhân.

Nguyễn Huy Thiệp còn gây ồn ào văn đàn bằng loạt bài phê bình thẳng tay “đập chan chát vào mặt người ta”, chẳng sợ mất lòng ai, với sự yêu ghét rõ ràng. Ông động chạm đến những vấn đề nóng, bức xúc của văn học Việt Nam với cái nhìn của một nhà văn giỏi muốn làm nhà phê bình khó tính.

Tài năng và đầy mâu thuẫn

Khi đã thành danh ở truyện ngắn với khoảng hơn 50 truyện, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang viết tiểu thuyết. Cuốn đầu tiên “Tuổi 20 yêu dấu” có lý do viết rất đời, như ông từng tâm sự, khi đưa con thứ 2 ra đảo Cát Bà cai nghiện. Ông từng tâm sự: ”Tuổi 20 yêu dấu” sẽ không thể rải đầy hoa hồng mà phải sặc mùi ma túy và cave. Nó sẽ là liều vaccine cần thiết cho thanh niên, những kẻ béo bệu bị nhồi nhét bởi hàng mớ kiến thức giáo khoa”.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông “Tiểu Long Nữ” lấy tứ một vụ án xấu xa của một quan chức. Và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắn: “Tiểu Long Nữ” là tác phẩm viết ra từ một câu chuyện nhảm nhí, nhằm mục đích kiếm tiền và mua vui thôi… Tôi biết, “Tiểu Long Nữ” có thể khiến nhiều người thất vọng về tôi, nhưng con người ta cũng phải có mặt này mặt nọ, không thể cứ đứng mãi trên đỉnh cao như thế được, mệt mỏi lắm. Trong thời buổi của Internet, truyền hình, con người có rất ít thời gian dành cho sách vở như hiện nay, tôi thà viết một cuốn sách khiến độc giả phải đọc một mạch từ đầu đến cuối còn hơn là những tác phẩm nặng nề, khiến họ ê a ngày này qua tháng khác”. Và rồi Nguyễn Huy Thiệp lại viết tiếp cuốn thứ ba “Gạ tình lấy điểm” xuất phát từ một vụ bê bối có thật của thày giáo với nữ sinh…

Nguyễn Huy Thiệp từng “tuyên ngôn” về nghề viết: “Không có lối viết mới nào hết. Nhà văn nào cũng vậy, chỉ có một lối viết duy nhất: đơn giản, chính xác, thanh đạm (tiết chế cảm xúc tối đa). Viết văn phải được coi là một quá trình dưỡng tâm, học đạo… Cuộc sống ngày càng hình như khắc nghiệt hơn, văn học nên biết cách làm cho nó dịu đi nên làm cho nó đẹp hơn và nhân đạo hơn một cách nghệ thuật”.

Nguyễn Huy Thiệp là một “ông Vua” truyện ngắn đầy kiêu bạc, nhiều mâu thuẫn, làm độc giả phải sung sướng, thất vọng...

Và nhớ ông!

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội, tốt nghiệp khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội). Ông đã mất ngày 20.3.2021, hưởng thọ 71 tuổi. Ông là nhà văn đa tài có thể viết nhiều thể loại nhưng đặc biệt thành danh ở truyện ngắn, từng nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật (2007) do Chính phủ Pháp trao nhằm vinh danh nhà văn vì những đóng góp đối với nền văn chương thế giới và sự dấn thân của ông vào việc quảng bá đa dạng văn hoá… Ông cũng nhận giải thưởng Premio Nonino (Italia, 2008). Ông là 1 trong 50 tác giả được các hội đồng cơ sở gửi lên đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn