MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà.

Nguyễn Nguyên Hà - cuộc chơi trong “Im lặng”

Bài và ảnh an vũ LDO | 02/06/2024 06:00

“Im lặng II” là triển lãm cá nhân thứ hai của nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà, cách triển lãm cá nhân đầu tiên gần 11 năm. 10 tác phẩm chia làm 4 nhóm tượng chính, với các chất liệu kim loại độc lập hoặc kết hợp: Sắt, nhôm, đồng, inox đem đến một cái nhìn khác về sự vật mà không kém phần kích thích trí tưởng tượng người xem.

Có thể nói, “Im lặng II” là cuộc chơi sâu và thách thức hơn của Nguyễn Nguyên Hà. Cùng một cách đặt vấn đề là khai thác sự tương phản, nếu như “Im lặng” (triển lãm cá nhân đầu tiên, tháng 9.2013) bày 11 tác phẩm, sử dụng nhiều chất liệu khác loại để tạo nên hình tượng (như đá và gỗ, đá và đồng, đá và inox) bên cạnh chất liệu nguyên bản; thì “Im lặng II” chất liệu sử dụng trong từng hình tượng tương đồng hoặc thuần nhất hơn. “Im lặng” có tác phẩm được nhuộm màu, trong khi “Im lặng II” chỉ sử dụng màu nguyên thủy của chất liệu. Và thay vì cần 3 năm để ra mắt triển lãm đầu tiên, thì ở triển lãm thứ hai Nguyễn Nguyên Hà mất tới 5 năm.

Khác với nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật chào đón công chúng bằng truyền thông rộng rãi, Nguyễn Nguyên Hà chọn cách “im lặng” không tổ chức khai mạc, không phát biểu. Người xem đến xem, nếu muốn có thể trao đổi trực tiếp với tác giả ở không gian trưng bày. Chú thích các tác phẩm, theo chủ ý tác giả, cũng đặt cách xa bức tượng để không trở thành sự giải thích bước đầu bằng lời cho tác phẩm.

4 nhóm tượng trưng bày lần này gồm các hình tượng được thực hiện lần lượt: con dao (2 tác phẩm), con sóng (2 tác phẩm), tháp và mái nhà (3 tác phẩm), đầu chim, cá sấu (3 tác phẩm). Cách dựng tượng khá giống với mô hình kiến trúc, chủ yếu khai thác các tiết diện phẳng, các hình học đơn giản như hình tam giác, hình chữ nhật. Nói như một họa sĩ: "Ở đây hoàn toàn không có một sự tình cờ, ngẫu nhiên nào".

Việc tính toán có chủ đích trong tạo hình làm bật lên mạch tương phản ở nhiều dạng thức: Các mô-đun, kích cỡ tiết diện, đường bo mảnh với khối lớn, sự tập trung và buông thả đường bo. Tuy vậy, cảm nhận chung các tác phẩm mang lại là sự thanh thoát - người xem thoát khỏi ấn tượng sắc, lạnh, nặng nề thông thường của kim loại. Thêm nữa, sự khéo léo chuyển tiếp liên kết giữa các phần trong bức tượng khiến cấu trúc mạch lạc của nó vẫn đảm bảo hài hòa mà không khô khan, cứng nhắc.

Theo nhà điêu khắc, các tác phẩm của anh vừa cổ điển vừa hiện đại. Cổ điển bởi bức tượng đều tả sự vật cụ thể. Hiện đại ở chỗ hình thức thể hiện đơn giản mà vẫn khơi gợi trí tưởng tượng. “Đơn giản hơn mới khó, vì phải chắt lọc. Khi không chắt lọc, người xem dễ bị mệt và phân tán bởi các chi tiết mà không tập trung vào tinh thần của tác phẩm”. Cũng theo nhà điêu khắc “đơn giản thì sẽ nhìn được lâu hơn”.

Sóng 1, 120cm x 45cm x 30cm, chất liệu đồng.
Các tác phẩm từ trái sang: Mái, Tháp 2, Tháp 1, chất liệu inox và sắt.
Các tác phẩm từ trái sang: Chim 1, Chim 2, Cá sấu, chất liệu nhôm.

Sẽ không ngạc nhiên khi hình tượng con dao được người xem liên tưởng đến nhiều hình ảnh rất khác: Bông lúa non, búp hoa chớm nở, thậm chí là các mặt người tứ phía hoặc gợi ý về một dạng công trình kiến trúc. Đây là tác phẩm được thực hiện đầu tiên và đầy “áp lực”. Quy trình thực hiện: Phác thảo, đổ tượng thạch cao kích thước nhỏ, chỉnh sửa, hoàn thiện nó. Phải làm đi làm lại 10 lần tác giả mới ưng ý. Vấn đề ở chỗ anh muốn tác phẩm mỏng nhưng lại nổi khối. Nhưng để làm nổi khối thì anh lại tạo ra một thứ “trông thô thiển”.

Tôn trọng công việc của mình, song nhà điêu khắc lại coi đây là cuộc chơi của những người “gần như vị kỷ”, tự thách thức chính mình. Anh vẫn muốn hình tượng con dao đạt đến độ “cực đoan” hơn nữa và gây “hiệu ứng thị giác kỳ lạ” hơn nữa: Mỏng nhất có thể nhưng mạnh (nổi khối) nhất có thể. Điều này thực sự khó bởi vì hai yếu tố này đặt cạnh nhau chúng loại trừ nhau. Nhưng điều đó có nghĩa, một lần nữa lại thử thách người tạo ra nó cùng với “sự nâng lên của trí tưởng tượng” để tả một sự vật đến độ “ngỡ ngàng”, “liều lĩnh” không phải của bản năng, mà bằng “tính toán”.

Không giới hạn mình, Nguyễn Nguyên Hà đã sáng tạo những tác phẩm đúng như câu statement của một họa sĩ Tây Ban Nha từng triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà anh đến xem: “Không phong cách, không chủ đề, không tư tưởng”. Bởi theo anh, những thứ này (phong cách, chủ đề, tư tưởng) sẽ trói buộc mình trong một bức tường hẹp. Còn nếu “muốn thể hiện tư tưởng, tốt nhất cầm bút lên viết, chứ không phải thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình”.

“Mình cứ thỏa mãn chính mình với cá tính của mình. Mỗi người một cá tính thì như trăm hoa đua nở, sẽ có nhiều màu sắc. Nhiều màu sắc hơn thì phông chung về văn hóa sẽ lên”. Còn với người xem “mình gây cho người ta một sự ngạc nhiên, một cái nhìn khác về sự vật, có thể đánh động trí tưởng tượng thì không cần đến giải trình”. Nhưng trước hết: Người xem nhìn thấy tác phẩm, xem được bằng ảnh, nâng dần hiểu biết của mình.

Theo nghĩa như vậy, “Im lặng II” là “cuộc chơi không nói ra bằng lời, không nói bằng lời được”, là một sự nhìn sâu vào chính mình, vào nghề nghiệp, cũng như về văn hóa nghệ thuật nói chung.

Nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà, sinh năm 1965 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay) năm 1990.
Anh từng làm việc ở Công ty TNHH một thành viên Mỹ thuật Trung ương, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trước khi làm nhà điêu khắc độc lập.
Tác phẩm của anh được sưu tập ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm “Im lặng II”, từ ngày 14 - 20.5.2024, tại Art Space 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn