MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lồng bè nuôi trồng thủy sản của các hộ ngư dân tại Làng chài du lịch Vung Viêng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nguyện vọng của 27 hộ ngư dân làm du lịch ở làng chài cổ giữa vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 27/03/2024 09:26

Được tỉnh Quảng Ninh cho phép nuôi trồng thủy sản tại Làng chài Vung Viêng để vừa là kế sinh nhai vừa góp phần phát triển du lịch, nhưng gần đây, 27 hộ dân của làng chài cổ này bị phạt vi phạm hành chính và buộc phải di dời toàn bộ nhà bè đi nơi khác do giấy phép đã hết hạn nhưng không được ai cấp tiếp.

Phạt và di dời là đúng… quy định

Hộ gia đình anh Tống Văn Quế là một trong số 27 hộ ngư dân có nhiều đời sinh sống ở làng chài Vung Viêng đầu tiên được TP Hạ Long cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản ở làng chài Vung Viêng (cách bờ khoảng 20km) vào năm 2017.

Đến cuối năm 2022, giấy phép hết hạn, anh Quế và các hộ dân khác làm đơn xin cấp lại nhưng khi đó, việc cấp giấy phép cho các hộ dân ngoài phạm vi 3 hải lý tính từ đất liền không còn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, mà ở cấp cao hơn.

Tuy nhiên, hiện Quảng Ninh đang làm lại quy hoạch vịnh Hạ Long - Bái Tử Long nên việc có cấp phép nữa hay không thì vẫn phải đợi đến khi bản quy hoạch được hoàn thành.

Như vậy, với việc giấy phép hết hạn và chưa được cấp lại, hộ anh Quế và các hộ khác ngày 18.3.2024 bị UBND TP Hạ Long ra quyết định phạt hành chính đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép với mức tiền 25 triệu đồng.

Đồng thời, yêu cầu phải di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm tại Vung Viêng trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm nhận được quyết định.

Theo anh Quế, các hộ ngư dân ở đây nuôi trồng thủy sản là căn cứ vào các chủ trương, quyết định của tỉnh Quảng Ninh, nhằm vừa cải thiện đời sống cho ngư dân sau khi cả làng chài di dời vào bờ, đồng thời phục vụ phát triển du lịch.

Trong đó, cho phép giữ lại khu vực làng chài Vung Viêng và khu vực Vạ Giá - là 2 điểm nằm trong tuyến tham quan số 3 và 4 đang thu phí trên vịnh Hạ Long, là nơi tồn tại 2 làng chài lớn và lâu đời nhất trên vịnh Hạ Long. Việc nuôi trồng thủy sản ở những nơi này chỉ được với quy mô vừa phải, mang tính trình diễn phục vụ du khách gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài và đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tầng đáy của vịnh Hạ Long.

“Tỉnh có quy hoạch cho nuôi trồng ở đây, giờ chỉ là chưa ai cấp lại giấy phép mà bắt chúng tôi di dời thì biết đi đâu vì chẳng nơi nào nhận. Chưa kể, khối tài sản dưới lồng bè còn rất lớn” - anh Dũng lo lắng.

Theo đại diện UBND TP Hạ Long, việc xử phạt và yêu cầu di dời là đúng quy định, trình tự bởi giấy phép đã hết hạn và các đơn vị chức năng của thành phố đã làm việc với các hộ dân.

Xin giữ lại và ngừng nuôi trồng để chờ xin giấy phép

Theo các hộ dân ở đây, hiện, số lượng các loại cá chưa xuất bán ước tính khoảng 8-10 tỉ đồng, trong đó số lượng cá chưa đủ tuổi để bán còn rất lớn.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, các hộ ngư dân ở đây đề nghị cho phép tiếp tục nuôi số cá còn lại cho đến khi bán được và giữ nguyên các lồng bè để chờ xin giấy phép mới, bởi tỉnh Quảng Ninh vẫn có chủ trương cho nuôi trồng thủy sản ở mức độ để phát triển du lịch.

Theo đại diện các hãng tàu du lịch chuyên đưa khách đến làng chài Vung Viêng, kể từ khi cả làng chài phải di dời lên bờ, hoạt động duy nhất làm nên sức sống của làng chài lâu nay là việc nuôi trồng thủy sản của ngư dân.

Việc cho phép giữ lại 2 khu vực làng chài, trong đó có Vung Viêng để nuôi trồng thủy sản cũng còn mang một ý nghĩa nhân văn khác là, tạo sinh kế bền vững cho những ngư dân tham gia làm du lịch, bởi thu nhập chèo đò đưa du khách đi tham quan tháng nào cao nhất chỉ được 3-4 triệu đồng.

Theo các hộ ngư dân trong làng, nếu cứ di dời, tháo dỡ rồi sau này xin được giấy phép mới rồi làm lại thì vô cùng tốn kém và lãng phí, bởi muốn di dời thì phải tháo tung ra và khi làm lại chắc chắn phải đầu tư mới lại từ đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn