MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NVCC

“Nhà văn chúng tôi vẫn đau đáu, day dứt với số phận người lao động”

Hiền Hương (thực hiện) LDO | 08/08/2022 07:58

“Hình ảnh người công nhân, nông dân hay công an, quân đội... chỉ là đề tài. Văn học phải số phận hóa, nhân cách hóa, nhân văn hóa những câu chuyện ấy” -  nhà thơ, nhà văn  Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Lao Động.

Thưa ông, cách đây gần 1 năm, tháng 10.2021, hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là công nhân, người lao động tự do tìm cách rời khỏi Bình Dương sau đại dịch. Có câu, “nhà văn là thư ký trung thành của thời đại”, tuy nhiên cho đến lúc này, dường như số phận con người trong đại dịch vẫn chưa phải là một đề tài “nóng” với văn chương, ông có nghĩ như vậy?

- Trên mạng xã hội, các kênh truyền thông, báo chí, nhà văn chúng tôi đã tham gia viết rất nhiều về đại dịch. Nhiều nhà văn bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, sự day dứt, đau đớn của họ trước số phận người lao động nghèo trong đại dịch.

Tuy nhiên, để có tác phẩm dài hơi như truyện ngắn, tiểu thuyết ghi lại những khoảnh khắc đó, những ngày tháng đó, lại cần phải có thời gian.

Nếu chạy theo tính thời sự gấp rút, nhà văn có thể sẽ trở thành một người tường thuật vụng về, thiếu chiều sâu, thiếu tầm nhìn cần có của một tác phẩm lớn về thân phận con người, thân phận nhân loại.

Hội nhà văn chúng tôi đã cấp phép xuất bản không ít tác phẩm thơ ca, ký sự, trường ca... liên quan đến người lao động, công nhân trong đại dịch. Riêng với truyện ngắn, tiểu thuyết, tôi nghĩ phải có đủ thời gian suy nghĩ, sáng tác, chọn lựa chất liệu.

Hình ảnh người công nhân, nông dân hay công an, quân đội... chỉ là đề tài. Văn học phải số phận hóa, nhân cách hóa, nhân văn hóa những câu chuyện ấy.

Đúng là đến hiện tại, tác phẩm lớn chưa có như mong đợi, nhưng qua cách ứng xử, cách viết của các nhà văn trên mạng xã hội, truyền thông, báo chí, tôi cho rằng, họ rất quan tâm, day dứt về số phận người lao động nghèo trong đại dịch.

Khi thời đại biến động, số phận con người chịu va đập mạnh mẽ, sẽ là chất liệu lý tưởng để vụt sáng những tài năng văn chương. Ông có cho rằng, việc chúng ta chưa có được những tác phẩm lớn, phải chăng, chỉ đơn giản là câu chuyện thiếu tài năng?

- Tài năng chứa đựng 2 nội dung. Thứ nhất, đó là khả năng thiên phú, nhạy cảm với ngôn ngữ nghệ thuật. Thứ 2 là sự đắm mê, cống hiến, không coi sáng tác là cuộc chơi, càng không coi đó là mục đích kiếm sống. Sáng tác phải là khát vọng sống.

Khi sáng tác là khát vọng, là sự thôi thúc từ bên trong, nhà văn sẽ dấn thân, tập trung cao độ để tư duy về tác phẩm. Có lẽ, chúng ta vẫn còn có những hạn chế.

Tôi đã gặp một số nhà văn Châu Âu, họ nói, họ thèm khát hiện thực Việt Nam, một hiện thực đầy những câu chuyện, số phận... So với mặt bằng 30-40 năm về trước, chúng ta có đội ngũ nhà văn tinh thông về nghề hơn. Ở hiện tại, có cảm giác điều gì đó đang khiến các tác phẩm chưa đủ rung động tận cùng.

Các nhà văn vẫn còn những hạn chế trong sự rụt rè của họ. Chúng ta đành phải chờ đợi.

Sau thế hệ các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... Dường như đang có khoảng trống lớn về tài năng, có sự chững lại ở văn học Việt Nam đương đại, ý kiến của ông về hiện thực này?

- Tôi nghĩ đó là câu chuyện chung của nhiều nền văn học, văn học thế giới cũng vậy. Đơn cử như văn học Nga, họ từng có một thế hệ vĩ đại như Maxim Gorky, Mikhail Sholokhov, Dostoyevsky... Đến bây giờ, họ cũng không thể có lại những cây bút vĩ đại như vậy.

Tôi cho rằng phải phụ thuộc cá nhân nhà văn và những yếu tố khách quan để làm nên những tác phẩm lớn. 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ rất nhiều năm sau Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp... văn đàn không có tác phẩm đáng chú ý là bởi thế hệ nhà văn mới đang lười, lười xâm nhập thực tế, lười sáng tác. Ví như để có tác phẩm lớn về công nhân, nhà văn cần phải đến sống và làm việc ở các nhà máy. Ông có nghĩ như vậy?

- Cách đi thực tế 10-15 ngày sẽ giống du lịch nhiều hơn. Để viết được những số phận, con người và phần chìm của nó, cần có thời gian đi thực tế lâu hơn.

Để hiểu được câu chuyện, cuộc đời, sự bất trắc, những trăn trở day dứt của những công nhân sống trong các khu công nghiệp cần thời gian đi thực tế rất lâu. Nhà văn thậm chí cần phải trở thành một công nhân, một viên chức của nhà máy đó, để vừa quan sát, vừa trải nghiệm, mới viết được.

Tôi xin đặt câu hỏi, phải chăng những thân phận người lao động nghèo... đang thiếu vắng trong văn học Việt Nam hiện nay, cũng bởi nhà văn chưa có được sự thấu cảm, day dứt?

- Phải có sự dày vò, đau đớn, phải gánh chịu bất trắc trong những biến cố, thậm chí phải là nạn nhân của chính xã hội, thời đại đang sống, mới viết được. Ở đây, “nạn nhân” có 2 kiểu. Nạn nhân của tâm hồn, tức là anh không cần phải trải qua, không cần phải là người công nhân đi bộ từ Nam ra Bắc với 200.000 đồng trong người, nhưng anh bị nỗi buồn của thời cuộc dày vò. Thứ 2, chính nhà văn phải chịu đựng những sự kiện đó, phải gánh thiệt thòi, mất mát.

Vẫn còn rất nhiều chất liệu thời cuộc có thể khai thác. Đó có thể là những người công nhân bị bóc lột, bị trả giá lao động rẻ mạt, cuộc sống bất ổn ở các khu công nghiệp tư bản. Đó có thể là cuộc sống của những nữ công nhân đầy bất trắc khi vất vả mưu sinh...

Nếu 1-2 năm nữa chúng ta vẫn không có được những tác phẩm tương xứng với chất liệu thời cuộc đầy biến động, hay những sáng tác giàu xúc cảm về thân phận con người... Ông có cảm thấy đó là một sự thất vọng?

- Văn học không giống như trồng khoai, vừa trồng xuống đã trông ngày thu hoạch. Chúng tôi nhìn thấy những chất liệu quanh mình và sắp tới sẽ có rất nhiều kế hoạch sáng tác để “đốt nóng” hơn nữa những đề tài về phận người, về người công nhân, lao động nghèo. Văn học có sự khác biệt về đường đi. Có khi gieo trồng, phải đến 20-30 năm sau mới có thành quả lớn lao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn