MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh công nhân ngành dầu khí. Ảnh: Trần Vương

Nhà văn dành 6 năm để thấu hiểu cuộc sống của công nhân ngành dầu khí

Thanh Hải (thực hiện) LDO | 30/11/2023 11:00

Tác phẩm tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Quốc Anh xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Dưới đây là những chia sẻ của tác giả Trương Anh Quốc với phóng viên Báo Lao Động về tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” sau khi đoạt giải.

Các xúc của anh khi tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn?

- Tôi rất vui vì tác phẩm mình bỏ công sức ra đã đạt được kết quả, thấy mình không hoài công. Đó là động lực để tôi nuôi dưỡng đam mê và viết thêm những cuốn sách tiếp theo về đề tài này.

Tác phẩm được anh thai nghén trong hoàn cảnh nào và mất bao lâu để hoàn thiện?

- Tôi từng làm việc trong ngành dầu khí 6 năm (2011-2017) và luôn tâm nguyện để dành vốn sống, kinh nghiệm sống để viết gì đó thật nặng đô. Cho đến đầu năm nay, khi biết về Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đã tạo động lực cho tôi viết cuốn tiểu thuyết này.

Từ kinh nghiệm sống trên giàn khoan cùng anh em công nhân lao động Việt Nam và nước ngoài, cộng thêm những chi tiết hư cấu, tôi đã viết và hoàn thành tác phẩm theo đúng chủ đề công nhân, công đoàn.

Trong khoảng thời gian viết tiểu thuyết, tôi có đi Trường Sa khoảng chục ngày, về cũng loay hoay viết đề tài Trường Sa. Tôi đã cố gắng hết sức hoàn thành tác phẩm trong khoảng 5 tháng. Những ngày cuối cùng là ngày kinh khủng nhất, xáo trộn mọi thứ mình vẫn chưa ưng ý.

Tôi chỉ đọc lại tác phẩm có 2 lần. Nếu như dành nhiều thời gian cho nó hơn hay cuộc thi lùi lại tầm 5, 10 ngày thì tôi có thể viết dài hơn, cho cuốn sách đầy đặn hơn. Tôi cũng cố gắng gói ghém gửi đi dự thi vì đây là cuộc thi có nhiều tiêu chí tốt, mình muốn phấn đấu đạt kết quả.

Đâu là phần nội dung khiến anh tâm đắc nhất trong tác phẩm của mình?

- Nội dung tiểu thuyết đa phần về cuộc sống lao động vất vả của ngành dầu khí, dù đi làm bằng máy bay trực thăng nhưng có nhiều áp lực lắm, làm 12 tiếng đồng hồ, mâu thuẫn về chức danh, quyền lợi, lương bổng giữa người Việt Nam với người nước ngoài…

Tôi cũng viết về thân phận con người với những mâu thuẫn, va chạm trong công việc, cuộc sống và cách đối mặt, giải quyết với vấn đề. Đằng sau công việc phải có sự yêu thương, đùm bọc nhau thì mọi thứ mới trôi chảy, suôn sẻ. Và trong tiểu thuyết, tôi cũng đưa vào chuyện tình cảm. Độc giả có thể nhận ra những chương 4 đến 8, 12 đến 16 là những chương gay cấn nhất, về tình yêu lứa đôi, về đủ thứ mâu thuẫn. Tôi để bố cục như vậy để câu chuyện thêm hấp dẫn.

Điểm khác biệt về tuyến tình cảm trong tác phẩm này là gì, thưa anh?

- Trong truyện có 2 nhân vật nam và 1 nhân vật nữ, nhưng tôi không miêu tả chuyện tình tay 3 vì thường quá rồi. Thay vào đó, từ những nhân vật này, tôi lấy làm chất liệu chính để xây lên 3 trụ chính của tác phẩm.

Tôi không muốn viết về anh hùng chủ nghĩa, anh hùng hoàn hảo mà là một người bình thường có buồn vui, tốt xấu, vì thế mới là cuộc đời. Trên giàn khoan có nhiều kiểu người, nhưng tôi muốn viết theo hướng nhân quả, người thiện có tâm trong sáng thì gặp những điều tốt, còn người xấu sẽ không gặp may.

Anh muốn truyền tải thông điệp gì qua tác phẩm của mình?

- Điều tôi muốn truyền tải là lao động thì phải lao động hết mình và phải siêng năng lao động. Những thành quả ta đạt được không phải trong ngày 1 ngày 2 mà sau này người ta sẽ nhìn thấy những điều đó, như luật nhân quả. Đúng sai còn tùy vào thời điểm, góc nhìn, nhưng làm đúng thì tâm mình thanh thản. Người ở hiền sẽ luôn gặp lành.

Tôi cũng viết về tác phẩm này cho miền Trung, nói lái nhiều, những bạn đọc ở miền Bắc và các nơi khác sẽ khó nhận ra. Tôi không chỉ nói lái 1-2 chữ mà là cả câu.

Tác phẩm tôi viết rất kỹ, trước tiên là viết cho mình, sau là cho bạn đọc, giám khảo. Vì tôi là người miền Trung, người Quảng nói lái khá tốt.

Sau tác phẩm này, anh có ấp ủ sáng tác thêm các tác phẩm văn học khác về đề tài công nhân, công đoàn?

- Bất kỳ nhà văn nào cũng có những ấp ủ nhưng không thể tiết lộ trước vì nói trước bước không qua, cũng không biết bao giờ mới hoàn thành. Mong Báo Lao Động có thể tổ chức thêm cuộc thi để tạo động lực, là sân chơi cho các tác giả.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn