MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người thợ thủ công miệt mài làm đèn - phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: NgL

Nhắc đến Hội An, nghĩ ngay đến đèn lồng

Thùy Trang - Nguyễn Linh LDO | 04/11/2022 06:30
Dù mới dựng xưởng hơn 3 năm nay, nhưng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 này, xưởng đèn lồng của vợ chồng chị Lê Thị Minh Thảo (Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã là đơn vị cung cấp đèn lồng cho hơn 64 tỉnh thành của Việt Nam cũng như nước ngoài. Lồng đèn cũng là mặt hàng góp phần quảng bá thương hiệu Hội An.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất đèn lồng của chị Lê Thị Minh Thảo, các thợ ở đây đang luôn tay đóng hàng, cắt vải, gắn tua rua… để chuẩn bị cho đợt hàng tết.

Ban đầu nhờ tự nghiên cứu tìm tòi, vợ chồng chị Thảo tự tay lắp khung, dán vải theo mẫu mà khách yêu cầu, được hơn 1 năm, vợ chồng chị phải mở rộng cơ sở sản xuất vì quá tải đơn hàng.

Tính đến nay, chị Thảo không thể nhớ được đã cung cấp được bao nhiêu đơn hàng, đặc biệt là vào những đợt cao điểm như Trung thu hoặc Tết.

“Điều khác biệt giữa một chiếc đèn lồng Hội An với các nước khác là ở chỗ tất cả các nguyên liệu của đèn Hội An đều được làm bằng tre, gỗ… các khâu sản xuất đèn lồng ở đây đa số đều là do xưởng chúng tôi tự gia công, chỉ có vải là nhập từ nơi khác về”.

Theo chị Thảo, xưởng của chị thường cung cấp đèn cho các nhà hàng, khách sạn trên khắp đất nước, du khách tỏ ra rất thích thú khi nhìn thấy đèn lồng Hội An.

Bà Nguyễn Thị Hiền - một thợ lành nghề tại xưởng sản xuất của chị Thảo - miệt mài móc nối các dây tua rua dưới mỗi chiếc đèn để chuẩn bị giao hàng, cho biết, những màu sắc sặc sỡ như vàng, đỏ, hồng, cam… luôn được đặt hàng nhiều nhất. Đặc biệt, màu đỏ sẽ được du khách lựa chọn để trang trí nhà cửa hoặc biếu tặng vào dịp Tết thể hiện khí hỉ, may mắn của năm mới.

Hiện nay, tại xưởng của chị Thảo có hơn 6 nhân công đang tập trung làm đèn lồng để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng cũng không kịp để giao hàng.

Đèn lồng truyền thống ở Hội An thường được làm bằng khung tre, dán giấy hình bánh ú, ông sao, cá chép. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sản xuất đèn lồng tại Hội An cung cấp ra thị trường từ 100-500 chiếc. Giá thành mỗi chiếc từ 50.000 - 1.000.000 đồng tùy kích cỡ.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể Thao TP.Hội An - cho biết: “Đèn lồng là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội An. Có thể nói, hễ nói tới Hội An mọi người sẽ nghĩ ngay đến đèn lồng. Khi làm các chương trình về Hội An, chúng tôi đều trang trí bằng đèn lồng đặc biệt là các chương trình thủ công mỹ nghệ”.

Theo bà Cẩm, sắp tới Hội An sẽ tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, trong đó có Lễ hội đèn lồng Hội An lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Wernigerode, Đức, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hữu nghị của hai thành phố.  Dịp này, hai bên thống nhất sẽ trang trí đèn lồng trên đường phố Wernigerode, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn nghề làm đèn lồng, thư pháp và các ngành nghề thủ công khác của Hội An.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn