MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Doãn Nho phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”. Ảnh: Lê Nguyên

Nhạc sĩ Doãn Nho: "Nhạc sĩ Văn Cao và thế hệ của ông như những người thầy dẫn đường cho chúng tôi"

Hoàng trang (thực hiện) LDO | 19/11/2023 15:48

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định, sức sống của những tác phẩm nghệ thuật mà nhạc sĩ Văn Cao để lại sẽ trường tồn mãi với thời gian. Với nhạc sĩ Doãn Nho, nhân cách sống và tài năng của nhạc sĩ Văn Cao giống như người thầy để thế hệ sau này nhìn vào học hỏi.

Nhạc sĩ Văn Cao có nhiều ca khúc nổi tiếng như: Suối mơ, "Trương chi", "Thiên thai"... vẫn giữ được sức hút với công chúng từ khi ra đời tới thời điểm hiện tại. Ông có đánh giá như thế nào về tính thời đại trong âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao?

- Tôi cho rằng, muốn có được sức sống trong tác phẩm thì yếu tố quyết định là cá tính sáng tạo. Bởi trong thời điểm đó, có rất nhiều nhạc sĩ cùng sáng tác chứ không chỉ Văn Cao. Để các tác phẩm sống tới bây giờ là cá tính sáng tạo rất rõ nét từ Văn Cao.

Không có người thứ hai như nhạc sĩ Văn Cao. Trong nhạc có họa, có thơ. Ngược lại, trong thơ, trong họa lại có nhịp điệu âm nhạc mang cá tính của riêng Văn Cao. Sức sống trong tác phẩm của Văn Cao thể hiện sự độc đáo, là duy nhất.

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh do gia đình cung cấp.

Năm 16 tuổi, nhạc sĩ Văn Cao cho ra mắt ca khúc đầu tiên mang tên "Buồn tàn thu". Vậy khi đó, cá tính sáng tạo của nhạc sĩ Văn Cao đã được bộc lộ?

- Cá tính sáng tạo của nhạc sĩ Văn Cao được bộc lộ khi ông hoạt động cách mạng. Nhạc sĩ Văn Cao có cá tính sáng tạo sở dĩ bản thân ông là người hoạt động cách mạng thực sự.

Thời điểm đó rất cận kề với Cách mạng tháng 8 năm 1945. "Tiến quân ca" được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ, ông đã trực tiếp cầm súng cùng đội biệt động làm nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo Việt gian. Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao theo thời gian đã chứng minh tính chuyên nghiệp cao, mặc dù chủ yếu ông tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, khi những nhạc phẩm ấy vang lên, ta cảm nhận rõ có sự hiện hữu của nghệ thuật hội họa và thơ văn mang đậm cá tính sáng tạo của ông.

Là một người hoạt động cách mạng, là một chiến sĩ cách mạng thực thụ cộng hưởng cùng cá tính sáng tạo trong ngôn ngữ nghệ thuật, bao gồm cả thơ, ca, họa mới có được một Văn Cao như vậy!

Nếu để miêu tả về cá tính sáng tạo của Văn Cao, ông sẽ dùng những tính từ nào?

- Tôi miêu tả khái quát cá tính sáng tạo của nhạc sĩ Văn Cao là "ngoài người ấy ra thì không ai có thể viết được như vậy". Mà khi giai điệu cất lên sẽ biết ngay đó là tác phẩm của ai.

Trong bức tranh âm nhạc hiện đại ngày nay với nhiều thể loại Pop, Rock, Jazz, Rap... nhưng khi giai điệu âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao cất lên, ai cũng biết bài hát đó là của ông. Tính nhận diện trong âm nhạc của Văn Cao rất rõ nét, rất Việt Nam.
Giai điệu dù được các giọng ca sơ cấp thể hiện, người nghe vẫn nhận diện đó là ca khúc của Văn Cao. Bởi sự quyết tâm, lòng yêu nước vẫn được truyền tải trong câu từ.

Tôi nhớ tại Paris (Pháp) đã có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất của thế giới thì một trong những quốc gia đứng đầu bảng là quốc ca Việt Nam. Tại sao vậy? Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là mặc dù "Tiến quân ca" có bóng dáng của Marseillaise (quốc ca Pháp) nhưng được xây dựng trên thang âm ngũ cung, dần vang lên ở điệu tính sol trưởng tất cả nằm gọn trong thang âm ngũ cung: sì rê mi son la si la son mi rề!

Ca khúc "Ngày mùa" là điển hình của những bài hoàn toàn không có yếu tố thang âm ngũ cung nhưng lời ca đầy chất thơ, mang đậm hình ảnh và chất trữ tình trong tâm hồn người Việt.

Dù tôi đã 90 tuổi nhưng khi cất tiếng hát ca khúc của Văn Cao giọng vẫn hào hùng, khoẻ khoắn. Đó chính là âm nhạc của Văn Cao giúp tôi.

Ông có thể phân tích tính sáng tạo của nhạc sĩ Văn Cao trong một ca khúc nổi bật, điển hình?

- Theo lời kể của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, chứng kiến tất cả những hy sinh mất mát của người dân khi Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, nhạc sĩ Văn Cao đã cho ra đời "Trường ca Sông Lô" bất hủ.

Bản Trường ca gồm nhiều đoạn nhạc: Đoạn I (gồm cả phần Dạo nhạc) trên 16 nhịp 44, ở điệu tính rê trưởng, tốc độ chậm rãi, gợi lên rất rõ nét hình ảnh con sông với thiên nhiên kỳ vĩ, với lịch sử hào hùng... Tiếp đến Đoạn II, điệu tính sol trưởng, tiết tấu dồn dập như những bước chân hân hoan của các chiến sĩ ta vừa giành chiến thắng ngay trên dòng sông này. Đoạn II gồm 31 nhịp 44. Đoạn III tiết nhịp 24 - nhịp đi với điệu tính si trưởng.

Xin nhắc lại: Điệu tính si trưởng, không phải là điệu tính si thứ theo luật trưởng thứ song hành. Rõ ràng đây là một sự sáng tạo mang rất rõ cá tính của tác giả. Ở điệu tích này mới có thể nêu bật ý nghĩa lớn lao của chiến thắng.

Văn Cao từng làm việc tại Báo Lao Động và vẽ tranh minh họa. Trong ảnh là một số tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”. Ảnh: Hải Nguyễn
Hình ảnh trưng bày tại Triển lãm “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”. Ảnh: Huyền Chi

Cũng trong đoạn này, tác giả đã đột ngột chuyển sang si thứ trong câu nhạc để dẫn sang đoạn IV trở lại điệu tính sol trưởng với tiết nhịp ¢. Lại một lần nữa bộc lộ cá tính sáng tạo riêng của tác giả.

Hiện nay, có rất nhiều ca sĩ trẻ thể hiện những nhạc phẩm của Văn Cao. Họ sáng tạo theo cách riêng, tam sao thất bản hoặc phối lại để làm mới ca khúc. Cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, các ca khúc của Văn Cao khi làm mới sẽ không giữ nguyên vẹn tinh thần gửi gắm của tác giả. Ông có quan điểm như thế nào về điều này?

- Tôi thấy không sao! Bạn có thể trẻ hóa ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao để phù hợp với thế hệ trẻ ngày nay. Dù ca khúc có trẻ hóa như thế nào thì vẫn chinh phục được khán giả. Bởi cá tính, sáng tạo là những điều chúng ta rất cần trong nghệ thuật.

Nhiều ca khúc trẻ không được đón nhận nhưng nhiều ca khúc từ xa xưa khi được trẻ hóa lại vô cùng nổi tiếng. Vì, trong quá trình trẻ hóa một ca khúc cũng cần cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ ấy.

Cá tính sáng tạo vô cùng quan trọng, mang tính nghệ thuật rất cao. Sự sáng tạo cần thể hiện tinh tế, đọng lại trong trái tim khán giả. Ca khúc vừa thể hiện cá tính sáng tạo của người hát lại vừa giữ được tinh thần tác giả gửi gắm.

Tôi hoàn toàn hoan nghênh những nghệ sĩ trẻ sáng tạo các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao. Còn những người già như chúng tôi, nhạc của Văn Cao đã ngấm trong máu, trong tâm hồn.

Nếu như nhạc sĩ Văn Cao còn sống thì ông sẽ rất hoan nghênh. Bản thân chúng tôi cũng thế, là tác giả của "Tiến bước dưới quân kỳ", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" đều hoan nghênh lớp trẻ sáng tạo.

Đặc biệt là ca khúc "Chiếc khăn piêu", rất nhiều người thể hiện trong đó có lớp trẻ. Lớp trẻ hát rất khác so với bản gốc. Nhưng cách hát đó lại tiếp cận khán giả đại chúng nhiều hơn.

Lời nhắn nhủ của ông tới hậu thế - những người lưu giữ và phát huy các tác phẩm nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao?

- Văn Cao là thế hệ nhạc sĩ xây nền đắp móng cho nền âm nhạc cách mạng. Với tài năng lớn được nhắc đi nhắc lại trong ngôn ngữ nghệ thuật của Văn Cao thì trong thơ trong họa có nhạc, ngược lại trong nhạc có thơ có văn có họa. Không ai làm được như ông!

Những ngày gần đây, Đài Truyền hình hay giới thiệu hình ảnh các cháu ở lớp mẫu giáo và các cháu đang học cấp I hát "Tiến quân ca" trong các ngày lễ. Tôi rất cảm động vì mình đã ở tuổi xế chiều được thấy hồn sông núi cùng bản chất anh hùng của dân tộc ta vẫn tiếp tục tỏa rạng hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu nước ta... Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”.

Chúng ta rất tự hào đã có một thế hệ xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trái tim mình, tôi luôn nghĩ nhạc sĩ Văn Cao cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du... mãi mãi là những người thầy của chúng ta và các thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn