MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang: Nếu người ta thích thì có nghĩa là bolero hay

Đào Bích LDO | 26/10/2017 07:30
Dù không phải là người viết những bản tình ca bolero, nhạc sĩ Phú Quang vẫn thừa nhận sự tồn tại của dòng nhạc này. Ông cho hay, nếu bolero không thực sự hay thì các ca khúc ấy đã chết từ lâu.

Những ngày qua, dư luận khá bức xúc vì các phát ngôn của diva Thanh Lam xung quanh những bản bolero cũng như âm nhạc, ca sĩ miền Nam.

Bày tỏ quan điểm về sự việc này, nhạc sĩ Phú Quang khẳng định, Thanh Lam là ca sĩ hát hay nhất Việt Nam nếu biết kiềm chế. Tuy nhiên, theo ông, nghệ thuật thực sự không có sự xếp loại. “Âm nhạc không nên có thứ nhất hay thứ nhì mà chỉ có hay và không hay. Cũng giống như bolero, nếu vẫn có nhiều người thích thì chứng tỏ bolero hay. Không hay thì dòng nhạc này đã chết từ lâu”, ông nói.

Bày tỏ suy nghĩ về nghệ thuật, tác giả “Em ơi Hà Nội phố” khẳng định: “Tôi không có quan niệm cô này chân dài thì các cô chân ngắn còn lại vứt đi hay cô kia ngực to thì những cô ngực nhỏ còn lại xấu hết. Cũng giống như âm nhạc, không phải nhạc của người này hay thì nhạc của những người khác phải bỏ đi. Đời sống sẽ dạy cho mọi người biết cái gì hay và cái gì tồn tại”.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Hà Nội lại đưa ra một khái niệm khác về bolero. “Nhạc bolero không phát triển được nữa vì không có ai sáng tác thêm. Những tác giả nổi tiếng cũng đã qua đời và không có ai viết mới.

Nhiều ca sĩ Việt Nam hiện nay đang đua nhau hát bolero. Nhưng càng hát giống ngày xưa thì càng được đánh giá là thành công. Như thế là không có sự sáng tạo. Chính vì không có sáng tạo cho nên sẽ không có sự phát triển. Một nền âm nhạc muốn phát triển nhất định phải có sáng tạo. Bolero hiện nay giống như một kỷ niệm, một liều thuốc xoa dịu cảm xúc con người. Người ta cứ muốn nó luôn cũ kỹ để kỷ niệm được vẹn nguyên.

Theo tôi, các ca sĩ trẻ bây giờ muốn phát triển sự nghiệp lâu dài thì không nên hát bolero mà phải tiến hành học nhạc bài bản.

Đành rằng việc chuyển tải âm nhạc đến người nghe là rất quan trọng nhưng kiến thức âm nhạc là nền tảng của người hát. Ca sĩ mà một nốt nhạc cũng không biết thì không thể ca ngợi và cũng không thể trụ lâu với nghề”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bình luận.

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: NVCC 

Nhạc sĩ Trần Tiến lại cho rằng, trên trái đất này không có nhạc nào là nhạc dở cả. Nhạc nào cũng hay đối với một người, một số đông  hoặc một nhóm người nào đó. Mỗi thứ âm nhạc đều có công chúng riêng và có cái thời của nó. Vì vậy mà không thể so một loại nhạc nào của thời nào với thời nào cả.

Nhạc bolero có cái kiểu của bolero, đó là tự sống với nhân dân. Dù nhân dân đó chỉ là một người hay hàng trăm triệu người thì cũng là nhân dân. Có thể, khán phòng chỉ có mười người nghe nhạc thôi nhưng có thể thay bằng hàng tỉ người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn