MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận lỗi

Ngọc Dủ LDO | 07/09/2023 07:40

Hễ phim Việt nào thua lỗ, nguyên nhân thất bại lại bị đưa ra bàn luận, mổ xẻ. Có những đơn vị làm phim sẵn sàng thừa nhận thiếu sót về chất lượng, tuy nhiên, không ít trường hợp đổ lỗi do “không gặp thời”, viện dẫn đủ lý do mà không chịu chấp nhận thực tế: “Phim không có khán giả vì chất lượng kém”.

Một số nhà sản xuất thường lấy lý do cụm rạp không tạo điều kiện để phim có suất chiếu tốt. Tuy nhiên, việc xếp suất phải được phía rạp đánh giá dựa trên thị hiếu và sự lựa chọn của khán giả. Phim công chiếu mà hiệu ứng không tốt, cụm rạp buộc phải thay đổi.

Tất nhiên còn có một số nguyên nhân khác, nhưng nhìn chung, nếu một bộ phim hay, chạm đến số đông khán giả, hệ thống rạp sẽ tự động tăng suất chiếu, xếp vào những “khung giờ vàng” chứ không cần đợi nhà sản xuất lên tiếng.

Một thực tế oái oăm khác nữa là việc khán giả vô tình trở thành “bao cát” khi phim Việt thua lỗ. Các đơn vị làm phim thường bao biện, rằng khán giả ít đến rạp sau dịch COVID-19, ưu tiên nền tảng trực tuyến...

Trong khi đó, khán giả vẫn chọn cụm rạp làm điểm giải trí thường xuyên trong ngày cuối tuần hay dịp lễ lớn. Nhiều tác phẩm điện ảnh trong nước và thế giới vẫn đạt doanh thu lớn.

Sau khi “Kẻ ẩn danh” công chiếu, đạo diễn phim Dan Trần cho biết vẫn đọc, tiếp nhận mọi lời khen chê, phản hồi tích cực lẫn tiêu cực. “Kẻ ẩn danh” dù được đánh giá cao về những phân cảnh hành động nhưng mỏng về nội dung. Đạo diễn nhận lỗi về mình, nói sẽ rút kinh nghiệm vì góp ý của khán giả - một động thái không thể thay đổi được điểm trừ của phim nhưng cũng cho thấy thái độ cầu thị, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người xem từ nhà làm phim.

Thị hiếu xem phim của khán giả đang ngày càng cao. Nhà sản xuất cần biết tiếp thu, thay đổi để tác phẩm của mình tốt hơn thay vì bao biện mù quáng.

Đã đến lúc nhà làm phim cần “tiên trách kỷ hậu trách nhân” - dũng cảm thừa nhận những điểm chưa tốt của tác phẩm mà khắc phục, thay đổi về sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn