MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Tuấn Công cho rằng, nhiều mục trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” đã sao chép từ các công trình ông đã công bố. Ảnh: X.H

Nhận sai, đại diện nhóm biên soạn xin lỗi

X.Hùng - Đ.Chung LDO | 24/02/2020 08:50

Liên quan vụ việc ông Hoàng Tuấn Công cho rằng, nhóm tác giả cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có nhiều mục sao chép từ các công trình của mình, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại diện nhóm tác giả và các bên để làm rõ thông tin.

Nhận sai 

Trao đổi với Lao Động, bà Cao Hoà Bình - người tổ chức bản thảo cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, đại diện cho nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên cho hay, ngay khi ông Hoàng Tuấn Công có phản ánh trên mạng và báo chí cho rằng cuốn từ điển nhóm của bà biên soạn đã “đạo văn”, sao chép nhiều phần trong công trình của ông, bà và nhóm tác giả đã họp, xem xét.

Theo bà Bình, đúng là cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” có sử dụng một số cách giải thích thành ngữ, tục ngữ trong các công trình của ông Hoàng Tuấn Công, ở các bài đăng rải rác trên mạng, chủ yếu ở blog cá nhân “Tuấn Công thư phòng”. Dù vậy, bà Bình cho rằng, đó không thể nói là “đạo văn” hay “đạo từ điển” vì gần một nghìn trang sách, chỉ có khoảng hơn 10 trang có sử dụng tài liệu của ông Công, chỉ có một vài chỗ là copy gần nguyên văn còn chủ yếu là lấy ý.

“Dù vậy, chúng tôi cũng đã nhận ra những sai sót của mình và đã có thái độ rất cầu thị xin lỗi ông Hoàng Tuấn Công” - bà Bình nói. Bà Cao Thị Bình cho hay, ngay ngày 19.2, bà đại diện cho nhóm tác giả đã gọi điện, gửi thư xin lỗi tới ông Công. Trong thư xin lỗi này, sai sót của cuốn từ điển được bà Bình lý giải: “Do sơ suất nên trong phần Lời nói đầu, chúng tôi đã không nêu lời xin phép tác giả Hoàng Tuấn Công, cũng như đã không tìm cách liên lạc với tác giả để xin phép trích dẫn nên đã để xảy ra một sơ suất rất đáng tiếc như tác giả đã nêu trong bài viết”.

Nhưng, thực chất, trong cuốn từ điển trên, không hề có mục lời nói đầu, phần mục lục tài liệu tham khảo rất sơ sài, cũng không dẫn công trình nào của ông Công. Việc này bà Bình cho rằng, ban đầu cũng có danh mục tài liệu chi tiết thế nhưng “không biết rơi mất ở khâu nào”.

Cũng trong thư trên, bà Bình đại diện nhóm tác giả bày tỏ lời xin lỗi nhiều lần và đề xuất chi trả nhuận bút, bổ sung nguồn trích dẫn và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, mời ông Hoàng Tuấn Công cùng đứng tên trong nhóm tác giả in lần sau và tham gia các dự án sách khác.

Cương quyết làm rõ

Về phía mình, ông Hoàng Tuấn Công cho rằng cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” đã vi phạm rất nghiêm trọng về nguyên tắc làm từ điển và vi phạm bản quyền trắng trợn. Ông Công đã liệt kê ra hàng loạt mục giải thích thành ngữ, tục ngữ mà cuốn từ điển đã sao chép nguyên văn hoặc một phần, hoặc sao chép ý trong các công trình ông đã công bố.

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Tuấn Công xác nhận đã nhận được thư xin lỗi của đại diện nhóm tác giả với những nội dung như trên. Tuy nhiên, theo ông Công, đó không phải cách giải quyết vấn đề. “Để bảo vệ sự liêm chính trong học thuật và quyền lợi của độc giả, tôi sẽ đấu tranh, làm rõ những sai phạm của nhóm tác giả này đến cùng. Tôi sẽ dành thời gian để làm công việc khảo chứng, so sánh chi tiết về vụ ăn cắp này. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng mà trước hết, Cục Xuất bản cần xem xét lại cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, thu hồi giấy phép và các bản sách đã xuất bản; đơn vị có thẩm quyền cần xem xét lại tư cách khoa học của nhóm tác giả trên” - ông Hoàng Tuấn Công cho biết.

Trước quan điểm của ông Hoàn Tuấn Công như vậy, bà Cao Hoà Bình cho rằng, những gì cần nói, cần xin lỗi với ông Công nhóm của bà đã làm rồi, “còn ông ấy cứ khăng khăng như vậy thì cần phải đưa sự việc ra cơ quan chức năng giải quyết”.

Về vụ việc trên, bà Thanh Phương - đại diện Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Văn Hoá Minh Long cho biết đã nhận được thông tin về vụ việc và đã liên hệ với các tác giả để xác minh. Khi nào các tác giả có giải trình cụ thể, phía công ty mới đưa ra hướng giải quyết.

Về phía NXB ĐHQG Hà Nội, bà Phạm Thị Trâm - Giám đốc Nhà xuất bản - cho biết, chiều 19.2, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, BGĐ NXB đã yêu cầu phòng chức năng mang toàn bộ hồ sơ cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” ra kiểm tra lại, xem các tác giả có cam kết về bản quyền không.

“Quan điểm của chúng tôi là nếu đúng như các tác giả có hành vi sao chép thì chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan quản lý xử lý nghiêm, sẽ chịu trách nhiệm. Với tất cả các đối tác liên kết, tác giả, chúng tôi đều yêu cầu phải có cam kết về bản quyền. Tôi là nhà khoa học, tôi cũng không chấp nhận việc đạo văn, sao chép, vi phạm bản quyền” - bà Phạm Thị Trâm nhấn mạnh.

Đa phần tên tác giả cuốn sách là bút danh

Theo bà Phạm Thị Trâm - Giám đốc NXB ĐHQG Hà Nội, các tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên là cộng tác viên của Cty Minh Long, thực hiện việc viết sách, khai thác bản thảo. Còn theo bà Cao Hoà Bình - người đại diện nhóm tác giả xác nhận thì 3 tác giả: Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên, chỉ có Đặng Thuý Hằng là tên thật còn lại là bút danh.

Bà Bình cho hay, bà là người tổ chức bản thảo, chỉ làm việc trực tiếp với người đứng ký hợp đồng là Đoàn Thuý Hằng. 2 tác giả còn lại không cho phép công khai danh tính vì sợ “nhạy cảm” liên quan đến công việc đang làm. Cũng theo bà Bình, cả 3 tác giả đều tốt nghiệp khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và đã học xong cao học, có bằng thạc sĩ. Xuân Hùng - Đặng Chung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn