MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghê nhân Trịnh Ngọc trong căn gác nhỏ đóng giày của ông, tháng 6.2022. Ảnh: Việt Văn

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Việt Văn LDO | 16/06/2022 08:04
2 năm trời sau dịch COVID-19, trở lại Sài Gòn, ghé thăm nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc, năm nay đã hơn 90 tuổi từng đóng giày cho hoàng thân Sihanouk và hoàng gia Cambodia và nhiều ca sĩ nổi tiếng trong giới showbiz ở ta. Ông vừa trải qua hai lần ngã cầu thang từ tầng 4 xuống tầng 1 may Trời thương nên chỉ đau nhức mình mẩy mà không bị gãy xương hay tổn thương thần kinh.

Ông Ngọc bảo năm 2021 có đoàn làm phim cho Netflix sang gặp để làm phim tài liệu về ông. Họ nắm rất rõ về ông trước khi sang và khi gặp nêu rõ ba tiêu chí chọn nhân vật để làm phim. Một là người già nhất, sống bằng nghề thủ công từ nhỏ đến giờ và chỉ theo 1 nghề duy nhất để thấy nhân vật phải yêu thương nghề đó như thế nào. Hai là phải trải qua nhiều gian truân. Ba là phải gắn bó với đất nước. Nghệ nhân Trịnh Ngọc đã hoàn toàn đáp ứng những tiêu chí đó. Tốt nghiệp ở một trường L’École A.B.C De Dessin ở Paris (Pháp), ông đã nắm vững mọi công đoạn làm một đôi giày từ mũi giày, phom (form) đến đế giày. Ông đã trải qua 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi sống những năm từ thời kỳ bao cấp đến đổi mới… Ông đã từng có thời gian mở tiệm giày ở Nam Vang (Cambodia) và trải qua nhiều truân chuyên trước khi về lại quê hương. Nghệ nhân Trịnh Ngọc đã có thể sang Pháp sinh sống nhưng với ông “không có lý do gì để rời bỏ đất nước cả”.  

Ông yêu nghề và nghề không phụ bạc ông. Không chỉ tôi mà nhiều phóng viên nước ngoài từng hỏi ông: Vì sao trong thời đại công nghiệp này mà nghề thủ công vẫn tồn tại? Nghệ nhân Trịnh Ngọc đã trả lời: Không chỉ ngành giày mà nhiều ngành khác, cả ngành may, thêu, đan, nền công nghiệp sản xuất ra nhiều, giá hạ nên nhiều khách hàng chọn. Nhưng ngành nghề thủ công vẫn sống được với những người thích nghệ thuật. Như khách hàng thích họa sĩ vẽ hơn là chụp chân dung, bởi bức họa gửi hồn người nghệ sĩ. Người nghệ nhân tạo ra đôi giày cũng vậy, nhưng thủ công cũng phải đạt đến một trình độ nào mới được, còn quá thô sơ sẽ loại. Văn minh loài người, từ ngàn xưa đến bây giờ và mãi mãi về sau nghề thủ công vẫn luôn tồn tại trên hành tinh này.

Đúng như nghệ nhân Trịnh Ngọc nói, thủ công nhưng phải đạt đến trình độ nào đó chính là sự tinh xảo, tinh tế, tinh chất để đưa nghề thủ công lên một tầm vóc mới. Đó không chỉ là sản phẩm mà là một tác phẩm nghệ thuật, nghệ nhân không chỉ thổi hồn vào nó mà có khi còn gửi cả tâm tình, thông điệp về vẻ đẹp nhân gian cần được trân trọng.

Những nghệ nhân làm nghề thủ công như ông Trịnh Ngọc đang mai một dần đi, họ chính là những báu vật nhân văn sống (Human Treasure) như chữ dùng của UNESCO. Họ cần được lưu giữ trong những bộ phim tài liệu, những bức ảnh và hơn thế cần được tạo cơ hội để trao truyền nghề cho những bạn trẻ nào tâm huyết với nghề thủ công đó để không rơi vào tình trạng như một câu ngạn ngữ của Pháp “Chỉ khi nào mất đi, người ta mới tiếc những gì mình đã có!”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn