MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều di sản ở Thừa Thiên Huế đã bị mất đi do không được kiểm kê. Ảnh: Tường Minh

Nhiều di sản của Huế mất đi do không kịp thời kiểm kê

Tường Minh LDO | 13/10/2021 06:45
Khó tin là đến thời điểm này, số lượng di tích được kiểm kê của tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ bằng một nửa so với tỉnh Bắc Giang. Và chính sự chậm chạp trong việc kiểm kê di tích, Thừa Thiên - Huế đã và đang bị mất đi rất nhiều di sản có giá trị.

Di sản phong phú và đa dạng

Với những đặc thù về lịch sử văn hóa và môi trường tự nhiên, cố đô Huế ngày nay được đánh giá là địa phương còn bảo tồn gìn giữ một kho tàng di sản văn hóa thiên nhiên phong phú, đa dạng và mang tính toàn vẹn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm vóc của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Hiện Thừa Thiên - Huế đã có 7 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, trong đó có 5 di sản văn hóa thuộc về triều Nguyễn với đủ cả 3 loại hình: Di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu.

Ở trong nước, đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên - Huế đã có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Quần thể di tích cố đô Huế với 16 di tích; Đường Hồ Chí Minh đi qua Thừa Thiên - Huế với 6 công trình, địa điểm; Cụm di tích lưu niệm Hồ Chí Minh với 4 di tích). 88 di tích cấp quốc gia và 85 di tích cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 9 nhóm cổ vật (với 35 hiện vật) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Hơn 900 di tích đã được kiểm kê trong đó có 205 di tích, địa điểm văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh đã ban hành danh mục. Có gần 500 lễ hội truyền thống và đương đại trong đó có những lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế như Lễ hội Điện Huệ Nam, Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế…

Tuy nhiên, ngoài hệ thống di sản được UNESCO công nhận, việc kiểm kê, đánh giá, xếp hạng cũng như phương án bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị của các di sản còn lại vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc, quy mô của các di sản văn hóa, thiên nhiên mà chúng ta đang sở hữu.

Cần một cuộc tổng kiểm kê

Chẳng hạn, nếu tính xếp hạng di tích cấp quốc gia, Thừa Thiên - Huế hiện chỉ xếp thứ 12 so với 63 tỉnh thành trong cả nước về số lượng. Riêng di tích cấp tỉnh thì mới xếp thứ 28. Số lượng di tích được kiểm kê chỉ bằng 1/2 tỉnh Bắc Giang (trên 2.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó 721 di tích đã được công nhận ở cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh). Ngoài ra các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu chưa được tổng kiểm kê đánh giá đầy đủ…

Trong xu thế đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh hiện nay, nếu không có giải pháp kịp thời thì Thừa Thiên - Huế sẽ mất đi rất nhiều di sản có giá trị. Một ví dụ cụ thể: Khu Bàu Vá thuộc thành phố Huế hiện nay do không được nghiên cứu đánh giá đầy đủ và đưa vào quy hoạch khảo cổ học nên hiện đã và đang mất đi rất nhanh những di tích khảo cổ học liên quan đến thời chúa Nguyễn và Tây Sơn và cả thời Nguyễn (đây là khu vực gắn liền với phủ Dương Xuân, phủ Tập Tượng thời các chúa Nguyễn, các di tích miếu Lịch Đại Đế Vương, miếu Lê Thánh Tôn… thời Nguyễn).

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải pháp cho vấn đề này là cần có một cuộc tổng kiểm kê để đánh giá đầy đủ các giá trị di sản của Huế gắn liền với công tác quy hoạch đô thị di sản và quy hoạch chung toàn tỉnh. Bên cạnh đó cần đầu tư cho công tác dữ liệu hóa các số liệu về di sản vật thể và phi vật thể; tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận di tích, Bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu độc đáo, có giá trị nổi bật… Quá trình này phải được tiến hành song song với quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực văn hóa, di sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn