MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) những phim đề tài lịch sử, cách mạng sẽ tiếp tục được Nhà nước đầu tư, tài trợ. Cảnh trong phim chiến tranh “Bình minh đỏ”. Ảnh do ĐLP cung cấp

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Điện ảnh

Việt Văn LDO | 26/05/2022 11:32

Sau bao nhiêu lần chỉnh sửa, bổ sung qua nhiều hội nghị, hội thảo, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội Kỳ họp thứ 3 tháng 5.2022 thông qua. Không chỉ so với Luật Điện ảnh 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009) mà ngay cả so với bản dự thảo Luật trình Quốc hội tháng 11.2021 thì dự thảo lần này đã có những chỉnh sửa đáng kể, để tạo hành lang pháp lý cho công nghiệp điện ảnh.

Làm rõ, vi chỉnh nhiều khái niệm cơ bản

Đã là Luật - mọi từ ngữ đều phải chuẩn chỉ. Khái niệm Điện ảnh trong dự thảo trình Quốc hội Kỳ họp thứ 3 này được hiểu là ngành nghệ thuật tổng hợp áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim (trong dự thảo trước đây là nghệ thuật sáng tạo...). Cũng như “Phim” không còn là “tác phẩm nghệ thuật” mà đã được chỉnh sửa là “tác phẩm điện ảnh”.

Đặc biệt cụm từ công nghiệp điện ảnh trong dự thảo trình Quốc hội tháng 11.2021 ghi là Công nghiệp điện ảnh là hoạt động điện ảnh nhằm tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật, kinh tế và thị trường điện ảnh. Còn nay chỉnh thành: Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh.

Với sự thay đổi này, có thể thấy điện ảnh đã được xác định là ngành kinh tế - tức là phải làm ra tiền, phải có lãi, có điều là “kinh tế sáng tạo” để tránh đổ đồng điện ảnh với các loại hình kinh doanh khác cũng như xác định tính đặc thù của điện ảnh.

Còn “Phân loại phim” là việc thẩm định nội dung phim, xếp loại phim để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến.

Ở mục 1 Điều 4. Nguyên tắc của hoạt động điện ảnh nêu rõ là “Xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của Nhân dân và hội nhập quốc tế. So với dự thảo năm ngoái là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân”.

Mục  5 điều 4: Phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp quy luật thị trường, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chữ “phù hợp” ở đây thay thế cho từ “tôn trọng” trước đây là hợp lý.

Những bổ sung và một số khái niệm cần làm rõ thêm

Ở Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh có bổ sung mục 1 là “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Về chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các hoạt động điện ảnh trong đó có sản xuất phim ở mục 2a điều 5 có nêu: Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Đáng chú ý ở đây là cụm từ “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam” đã thay thế cho “các vấn đề của cuộc sống đương đại” (như dự thảo tháng 11.2021).  Bởi khái niệm các vấn đề của cuộc sống đương đại còn khá chung chung và việc “nhận diện” đâu là vấn đề thực sự của cuộc sống đương đại phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn chủ quan của cá nhân.

Ngoài ra, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các hoạt động điện ảnh ở điều 5 mục 2 có thêm khoản i) Xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim gắn với hoạt động du lịch, giải trí; và k) Xây dựng hệ thống hạ tầng thống kê, cơ sở dữ liệu ngành điện ảnh. Đưa câu chuyện trường quay vào dự án Luật là hoàn toàn đúng đắn, bởi điện ảnh Việt Nam muốn thực sự trở thành công nghiệp điện ảnh bắt buộc phải có những trường quay hiện đại, có thể làm bối cảnh cho 3, 4 đoàn làm phim cùng lúc và sau đó chính là địa điểm du lịch cho du khách...

Điều 9. Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh ở mục 1 “Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây” ở khoản h có ghi: “Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người,; trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa”.

Chắc chắn sẽ phải có những văn bản dưới Luật để hướng dẫn cho các nhà làm phim Việt rõ đâu là phim kích động bạo lực phải cấm và đâu là phim bạo lực “đúng Luật” khi nói cái ác để đề cao cái thiện. Bởi ranh giới trong chuyện này nhiều khi rất mong manh...

Nhìn chung, những thay đổi làm dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chặt chẽ hơn và sát với tình hình hoạt động điện ảnh hiện nay hơn, tất nhiên việc soạn thảo các văn bản dưới Luật sẽ giải thích rõ và chi tiết hóa những quy định cụ thể trong Luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn