MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều đơn vị tổ chức phản ứng với cách tính tiền tác quyền âm nhạc

Nhóm PV LDO | 11/10/2022 08:05
Những kiện tụng qua lại giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kéo dài trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Kiện tụng kéo dài

Từ năm 2018, Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế và loạt đơn vị có tên trong danh sách không nộp tiền tác quyền, trong đó, Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế không nộp tiền tác quyền trong chuỗi chương trình “Đêm tình nhân” từ 2016 đến 2018. Khi bị báo chí chất vấn về việc “chây ì” trong nộp tiền tác quyền, đại diện công ty này cho biết, họ sẵn sàng nộp tiền, nhưng nộp thế nào cho hợp lý là điều cần phải bàn lại.

Theo đó, đại diện của Công ty HP cho rằng, họ đang phải chịu mức tính giá tác quyền đắt đỏ.

“Ở Mỹ, cứ mỗi bài hát được tính 0,08 USD tiền tác quyền, không kể bài hát đó hot hay không hot. Ví dụ chương trình có 10 bài hát, lượng vé bán ra 3.000 thì họ sẽ tính đêm nhạc đó phải trả tiền tác quyền âm nhạc là: 0,08x10x3000, tức khoảng gần 60 triệu đồng.

Nhưng ở Việt Nam lại khác, chưa có mức giá nào quy định rõ ràng. Đơn vị thu bản quyền vì thế cứ tính theo quy mô chương trình rồi nhân với 70% số ghế. Thế nhỡ đơn vị chúng tôi không bán được vé thì làm sao?”, đại diện Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế nói và cho biết, có những chương trình họ phải nộp đến 200 triệu đồng tiền tác quyền.

Câu chuyện tranh cãi này kéo dài từ 2018 đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Gần nhất, VCPMC kiện Công ty Cổ phần truyền thông Vietart (Vietart) ra tòa khi không nộp tiền tác quyền cho chương trình “Đêm Việt Nam 7: Chuyện của Mùa Đông”.

Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn phản ứng với cách thu tiền tác quyền của VCPMC. Ảnh: NSX

Trả lời phóng viên Lao Động, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietart cũng trình bày nội dung tương tự như đại diện Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế từ 4 năm trước. Theo bà Quỳnh Như, “Công ty Vietart sẵn sàng trả tiền tác quyền cho các tác giả, nhưng phải là mức thu hợp lý”.

Bà Quỳnh Như nói: “Ngày 19.6.2018, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ban hành Quyết định số 14/QĐ-TTBVQ TGANVN quy định về biểu mức nhuận bút các đơn vị tổ chức sự kiện phải trả cho VCPMC theo công thức: “5% x 70%  sức chứa nơi biểu diễn x bình quân giá vé/lượt biểu diễn”. Với cách tính này, VCPMC đã tính phí nhuận bút đối với Công ty Vietart chúng tôi lên đến hơn 10.000.000 đồng/bài hát, tăng gấp 25 lần so với phí nhuận bút VCPMC và Vietart đã thỏa thuận trong các Hợp đồng trước đó là 440.000 đồng/bài hát (đã bao gồm thuế VAT)”.

Bà Quỳnh Như cho rằng, “VCPMC đang tự do tính theo quy mô chương trình rồi nhân với 70% số ghế, không cần biết các đơn vị tổ chức bán được số ghế thực tế là bao nhiêu. Trong bối cảnh nhà nước đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sau đại dịch COVID-19 thì cách thu phí tác quyền của VCPMC đang khiến các doanh nghiệp tổ chức nghệ thuật đứng trước nguy cơ phá sản”.

Các đơn vị sản xuất khẳng định sẵn sàng đóng phí tác quyền, nhưng cần ở mức hợp lý. Ảnh: NSX

Mâu thuẫn giữa VCPMC và các đơn vị tổ chức

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Phạm Hoàng Giang của Công ty cổ phần truyền thông và giải trí VietnamShow cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách tính phí tác quyền giá cao và không thống nhất của VCPMC.

Đạo diễn Phạm Hoàng Giang nói: "Mỗi chương trình sẽ có một mức giá khác nhau do VCPMC đưa ra và tính theo công thức riêng của họ. Tuy nhiên, theo tôi và nhiều đơn vị thì công thức đó không đúng, vì trên thế giới không ai áp dụng như thế cả".

Theo đạo diễn Phạm Hoàng Giang, mỗi chương trình thực hiện ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, công ty anh phải nộp khoảng 60-80 triệu đồng cho VCPMC. Tính trung bình chi phí bản quyền là 5 triệu đồng/tác phẩm, cao hơn cả mức cát-xê mà một số ca sĩ nhận được cho phần biểu diễn trực tiếp”.

Trong khi đó,  ông Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch IBGROUP Việt Nam phản ánh với phóng viên Lao Động mức phí bản quyền cao nhất mà IBGROUP phải trả cho VCPMC là 50 triệu đồng/show. Ông Thùy Dương nói: "Tôi thấy đây là mức phí chưa thuyết phục. Cách tính phí mà VCPMC đưa ra chưa đủ căn cứ về mặt pháp lý”.

Bà Ngọc Châm – Giám đốc công ty TNHH Vàng son một thuở cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách thu tiền tác quyền tác giả của VCPMC. “VCPMC đang có dấu hiệu độc quyền thị trường khi tự đưa ra cách tính, tự đưa ra số tiền và yêu cầu chúng tôi phải nộp. Tôi đặt dấu hỏi về số tiền VCPMC thu tác quyền của các đơn vị tổ chức biểu diễn, bao nhiêu sẽ về tay tác giả, bao nhiêu thuộc về VCPMC?”.

Bà Ngọc Châm - Giám đốc Công ty TNHH Vàng son một thuở. Ảnh: NVCC

Ông Thùy Dương – Giám đốc IBGROUP, bà Ngọc Châm và đại diện các công ty: Vietart, Vietnam Show... đề xuất: “Chúng tôi rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ban ngành chức năng có liên quan vào cuộc, ban hành cụ thể mức thu phí tác quyền hoặc cách thức, cơ sở để tính phí tác quyền trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật một cách hợp lý, đúng luật để chúng tôi thực hiện".

Phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom) quanh những tranh cãi về tiền tác quyền và cách thu nhuận bút tác quyền của VCPMC.

Việc loạt đơn vị tổ chức biểu diễn phản ứng với mức giá tác quyền đang được cho là “đắt đỏ”, Luật sư Trần Thị Tám đưa quan điểm: “Khi VCPMC (giống như người bán hàng) đưa ra mức giá quá cao, các đơn vị tổ chức biểu diễn (người mua hàng) có quyền mặc cả, để 2 bên có sự điều chỉnh về mức giá cho phù hợp”.

“Theo tôi, cũng cần phải cân bằng quyền lợi, quyền lợi của nhạc sĩ và quyền lợi của những người biểu diễn, có như thế mới thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển. Vì xét cho đến cùng, một bài hát có giá trị hay không, có sống mãi với thời gian hay không cũng phụ thuộc rất lớn và nghệ sĩ biểu diễn và các đơn vị tổ chức sự kiện. Nếu không có họ, cũng sẽ không có người cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của âm nhạc” – Luật sư Trần Thị Tám nói.

Về kiến nghị mong các bộ, ban, ngành vào cuộc của nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, Luật sư Trần Thị Tám cho rằng: "VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, là một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp), không phải là cơ quan hành chính nhà nước.

Với tư cách là người quản lý quyền tác giả (một loại quyền dân sự), VCPMC có quyền đưa ra giá bán cho tài sản dân sự đó, từ đó họ có quyền thu tiền, kinh doanh nhằm mục tiêu thu lợi cho các tác giả mà họ đại diện. Số tiền VCPMC thu được sẽ chuyển cho các tác giả một phần, họ giữ một phần để làm phí quản lý vận hành, họ cũng có thể đại diện cho các tác giả đóng thuế cho nhà nước, đây không phải là hoạt động thu phí hành chính cho nhà nước”.

Có thể thấy, vấn đề gây mâu thuẫn nhất giữa VCPMC và các đơn vị tổ chức biểu diễn là cách tính phí nhuận bút tác quyền.

Phóng viên Lao Động cũng đã liên hệ với phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về những phản ứng của các đơn vị tổ chức biểu diễn, đại diện của VCPMC cho biết, họ sẽ sớm phản hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn