MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn ảnh: nguoi-noi-tieng.com

Nhớ Chánh Tín, người đàn ông hào hoa nhất màn ảnh Việt

Việt Văn LDO | 06/01/2020 12:44

“Trời kêu ai nấy dạ”, NSƯT Nguyễn Chánh Tín - gương mặt tài năng, hào hoa của điện ảnh Việt đã trở về đất mẹ sáng ngày 4.1. Nhẹ nhàng như một cơn gió, ông vào cõi vĩnh hằng, nhưng ấn tượng về một Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” luôn in đậm trong lòng khán giả yêu mến điện ảnh Việt, cũng như một “Dòng máu anh hùng” từng “dậy sóng” màn bạc…

Nghệ sĩ cần một cái duyên “trời cho”. Có người chỉ vừa ra sân khấu, khán giả đã rộ lên tán thưởng, có người ở đám đông nào cũng sang trọng, nổi bật như phượng hoàng, dù không nói gì, làm gì cũng thu hút mọi ánh nhìn, trở thành tâm điểm.

Nguyễn Chánh Tín là một người như thế. Hào hoa và lãng tử, ông là huyền thoại của nhiều thế hệ, nhiều lớp khán giả yêu mến điện ảnh Việt. Ông làm diễn viên, đạo diễn rồi còn làm người dẫn chương trình (MC), kinh doanh trong vai trò Giám đốc Hãng phim Chánh Phương… Nhưng cái làm nên thương hiệu Chánh Tín gắn chặt với nghiệp diễn viên của ông.

Người ta bảo cái gien nghệ thuật của ông xuất phát từ người mẹ Lưu Ngọc Lan - một Hoa khôi của vùng Bạc Liêu với tài ca hát. Và sự chuyên nghiệp của Chánh Tín trong công việc được rèn luyện bởi người cha Nguyễn Chánh Minh - người được kể lại với nhiều giai thoại về một võ sĩ có tài thời Vua Bảo Đại, chuyên đi trừ gian diệt bạo, sau là đệ tử của một tướng trong quân đội Tôn Trung Sơn lưu lạc sang Việt Nam.

Sinh năm 1952, từng là sinh viên trường Luật, khởi nghiệp bằng con đường ca hát để rồi định mệnh đã gắn ông với điện ảnh như là hơi thở. Cả đời ông  gắn liền với những vai diễn, kể từ bộ phim đầu tiên “Vĩnh biệt tình hè” (1974) cho đến những phim mấy năm gần đây như “Linh duyên” (2017), “Em chưa 18” (2017), “Hoàng tử ơi, Anh ở đâu” (2017), “Fan cuồng” (2016), “Hình nhân” (2016)… Không nề hà bất cứ một vai nào, dù to dù nhỏ, Chánh Tín vẫn luôn thể hiện một diễn xuất bản lĩnh, chuyên nghiệp.

Dấu mốc lớn nhất trong cuộc đời ông, tạo nên một Nguyễn Chánh Tín với dấu vân tay riêng trong điện ảnh Việt chắc chắn là vai đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân trong series 8 tập phim ”Ván bài lật ngửa” lừng danh của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, kịch bản của Nguyễn Trương Thiên Lý (tức Trần Bạch Đằng) vào những năm 80.

Thời đó, sự chờ đón, háo hức của nhiều lớp khán giả thể hiện qua dòng người xếp hàng dài mua vé vào rạp để theo dõi từng bước đi thăng trầm, giữa “thập diện mai phục” của nhà tình báo Nguyễn Thành Luân trong cuộc đấu trí một mất một còn với anh em nhà Tổng thống Ngô Đình Diệm và tình báo Mỹ.

Diễn xuất xuất thần với vẻ mặt lạnh rất đàn ông, với chất giọng ấm áp, hào sảng và từng cử chỉ, điệu bộ đều toát lên phong thái lịch lãm của Nguyễn Chánh Tín cộng với sự tung hứng nhịp nhàng của các diễn viên khác, đặc biệt là Lâm Bình Chi vai Ngô Đình Nhu đã góp công lớn, đem lại thành công vang dội cho phim: Giải Đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985.

Chánh Tín trở thành “người hùng trong mộng” của biết bao cô gái Việt, thần tượng của giới trẻ.

Dấu mốc lớn sau đó trong đời ông chính là bộ phim truyện “Dòng máu anh hùng” mà ông trong tư cách nhà sản xuất - Hãng phim Chánh Phương đã tạo nên một cú đột phá ngoạn mục trong dòng phim võ thuật Việt. Lần đầu tiên, người xem bị thuyết phục rằng phim võ thuật Việt không kém gì phim Hollywood hay võ hiệp Hồng Kông (Trung Quốc). Đó cũng là bệ phóng để nâng cánh những gương mặt sau này trở nên cực kỳ “hot” như Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân. Đây cũng là phim khiến Chánh Tín cầm cố nhà để có tiền làm phim, với kinh phí lên tới  trên 1,5 triệu USD, phim đầu tư “khủng” nhất của điện ảnh Việt lúc đó. “Dòng máu anh hùng” lập tức “cháy” phòng vé, doanh thu cao, được hãng The Weinstein Company mua lại để phát hành ra quốc tế, nhưng không thể thu hồi vốn, dù tạo danh tiếng cho điện ảnh Việt.  

Cuộc đời của Chánh Tín không phải đều màu hồng, dù cuộc hôn nhân của ông năm 1973 với ca sĩ Bích Trâm được coi là “cặp đôi hoàn hảo” khi cả hai vốn là một cặp ca sĩ được yêu thích trong năm 1980… Ông lâm cảnh nợ nần, chồng chất sau phim “Dòng máu anh hùng”, sau phải bán nhà đi trả nợ. Rồi miệng lưỡi, điều tiếng thế gian và bao câu chuyện không vui khác đến với ông.

Nhưng chính sự không hoàn hảo đó khiến người ta sẽ nhớ nhiều Chánh Tín bởi trên đời phàm cái gì hoàn hảo quá thì đâm xa cách, trở nên “kính nhi viễn chi”. Ông là diễn viên nổi tiếng nhưng cũng là con người với tất cả mặt tốt xấu của nó. Sống một cuộc đời phong trần, lãng tử và có những phút huy hoàng như thế, chả phải là ước muốn của không ít người hay sao...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn