MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi hòa nhạc đầu tiên trong hang Đầu Gỗ vào tháng 11.2005. Ảnh: Đoàn Đức Chính

Nhớ mãi về đêm nhạc độc đáo trong không gian hang Đầu Gỗ

Nguyễn Hùng LDO | 16/08/2023 12:29

Gần 20 năm sau một số buổi hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long, những người tham gia các buổi hòa nhạc đó vẫn nhớ mãi về một “nhà hát” có một không hai trên thế giới. Nhiều người nuối tiếc, cho rằng: rất khó để tổ chức thường xuyên, nhưng một năm có thể tổ chức một lần, không phải để kiếm tiền, mà để quảng bá vịnh Hạ Long.

“Nhà hát” trong hang

Đạo diễn Lê Chính - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh - vẫn nhớ như in bữa cơm tối tại Hòn Gai, Hạ Long sau buổi biểu diễn hòa nhạc đầu tiên trong hang Đầu Gỗ năm 2005.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các nhạc công, văn nghệ sĩ vô cùng hào hứng, liên tục nâng ly chúc mừng bởi lần đầu tiên được chỉ huy một dàn nhạc và được biểu diễn trong một “nhà hát” hết sức đặc biệt. Một trong những điều đặc biệt nhất, khiến những người khó tính về thẩm âm cũng ngạc nhiên là chất lượng âm thanh bên trong hang Đầu Gỗ, có tuổi đời khoảng 2 triệu năm.

Buổi hòa nhạc đầu tiên tại hang Đầu Gỗ là vào ngày 19.11.2005, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh và Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp tổ chức.

Hơn 60 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn trên sân khấu rộng khoảng 15m2, được dựng ngay trong lòng hang. Chương trình gồm 3 bản giao hưởng, 5 bản hợp xướng và 2 bản Acapella, trong đó có những bản nhạc như: bản “Suite” trích Ballet “Kẹp hạt dẻ” của Tchaikovsky, “Mùa xuân” của Vivaldi, “Mi mi” trích opera “Labohem” của Pucini, "Tôi là người thợ lò", "Trống cơm"… Chỉ huy dàn nhạc là 2 nhạc sĩ nổi tiếng: Đỗ Hồng Quân và Phạm Hồng Hải.

Sự kiện này sau đó cũng được chính nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân báo cáo tại Hội nghị Giao hưởng Quốc tế với sự tham dự của 44 dàn nhạc giao hưởng của toàn thế giới, tại Nga. Lần đầu tiên, các đại biểu dự hội nghị biết đến có hoạt động biểu diễn giao hưởng trong một hang động trên biển.

Ông Lê Chính khi đó là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là tác giả kịch bản và tổng đạo diễn của buổi hòa nhạc lịch sử này.

“Hang động tuyệt đẹp, nhưng chất lượng âm thanh cũng thật bất ngờ. Cả du khách và giới chuyên môn đều ngỡ ngàng về một “nhà hát” hàng triệu năm tuổi được thiên nhiên ban tặng, với không gian âm thanh hoàn hảo của một nhà hát” - ông Chính nhớ lại.

Sau lần đó, còn có thêm 3 buổi biểu diễn hòa nhạc nữa tại “nhà hát” hang Đầu Gỗ. Lần gần nhất là vào trưa ngày 11.10.2014, trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á - Âu.

Cũng như các buổi hòa nhạc trước, một sân khấu bằng gỗ được dựng lên đủ cho vài chục nghệ sĩ biểu diễn và không có sự hỗ trợ của bất kỳ thiết bị, kỹ thuật âm thanh điện tử nào, chỉ có những âm thanh mộc và thuần khiết của các nhạc cụ.

Cơ hội quảng bá hiếm có

Sau buổi tổ chức hòa nhạc đầu tiên thành công, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương triển khai xây dựng “nhà hát” hang Đầu Gỗ, để biến nơi đây thành một nhà hát độc nhất vô nhị trên thế giới và là một sản phẩm du lịch rất độc đáo chỉ có ở vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này bị rơi vào lãng quên, khiến nhiều người tiếc nuối, bởi đây sẽ là một sản phẩm du lịch đẳng cấp thế giới, góp phần quảng bá thương hiệu vịnh Hạ Long. Bởi, khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có một hang động tự nhiên đẹp, lại nằm giữa biển và chất lượng âm thanh tuyệt hảo.

Giữa vịnh Hạ Long có khá nhiều hang động, thậm chí lớn hơn, nhưng các nhạc sĩ, giới chuyên môn quyết định chọn hang Đầu Gỗ, sau nhiều ngày dùng xuồng đi khảo sát các hang động trên vịnh Hạ Long. Tại các hang động, nhóm đều thử hát và ghi âm để đo xem độ vang, đập của âm thanh như thế nào.
Một số hang không có vòm cao, cái có vòm cao thì lại không có địa hình để biểu diễn hoặc có độ vang lớn. Hang Đầu Gỗ là chuẩn nhất, vòm hang cao, rộng, không có tiếng vang, dội âm thanh trở lại. Theo đạo diễn Lê Chính, sau này tìm hiểu thêm thì thấy phía trên có một họng sáo thông lên trời, hút âm thanh lên và vì thế không có tiếng vang.

Hang Đầu Gỗ rộng gần 5.000m2, gồm nhiều ngóc ngách, trong đó riêng khu vực biểu diễn rộng 3.000m2. Vòm hang rộng và khum. Cửa hang nằm trên độ cao 27m so với mực nước biển. Vòm hang cao khoảng 25m. Với “thiết kế” độc đáo bởi thiên nhiên, nên nhiệt độ bên trong luôn như được điều chỉnh bởi một hệ thống điều hòa tự động. Theo đó, mùa đông luôn ấm, mùa hè nắng nóng nhưng nhiệt độ bên trong hang lúc nào cũng chỉ 20-22 độ.

Theo những người làm du lịch ở Quảng Ninh, việc tổ chức thường xuyên các buổi hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ khó khả thi vì còn liên quan tới nhiều yếu tố, nhưng có thể tính toán mỗi năm tổ chức một lần. Việc này không nhằm bán vé, kinh doanh, mà chỉ nhằm quảng bá thương hiệu vịnh Hạ Long. Phương thức này không chỉ hiệu quả hơn, mà còn tiết kiệm hơn so với việc tổ chức các chương trình xúc tiến ở nước ngoài hay quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn