MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết xưa và nay có những thay đổi theo thời gian. Ảnh: Việt Văn

Nhớ Tết xưa trong văn chương của Thạch Lam, Đoàn Văn Cừ

Huyền Chi LDO | 30/01/2024 12:41

Trong tâm thức của mỗi người Việt, ngày Tết mang ý nghĩa thiêng liêng. Không khí của Tết, của mùa Xuân cứ như vậy ngấm vào từng trang văn, câu thơ từng vang bóng một thời.

Ngày xuân trong văn chương xưa

Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, tuần hoàn theo lẽ tự nhiên mà còn là một ký ức văn hóa gắn liền với người Việt mà ở đó, những nét phong tục, tập quán ngày Tết để lại dấu ấn sâu đậm. Giá trị tinh thần của Tết Nguyên đán là của chung dân tộc, cộng đồng, gia đình và từng cá nhân.

Thần sắc đó, ý vị đó được đón nhận, thể hiện sinh động trong những trang văn của các thi sĩ, văn sĩ thời xưa.

Ngày Xuân sang, Vũ Bằng từng “yêu tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.

Trong những dòng tâm tình của Nguyễn Tuân, ông hồi tưởng “một thời vang bóng” với thú vui ăn kẹo mạch nha, thưởng hoa vào đêm Giao thừa, đi chợ Tết.

Với nhân vật Định trong “Chợ Tết” của Nguyễn Minh Châu, Tết là nơi thời gian ngưng đọng, để con người trở về với ký ức ngày thơ ấu: “Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời, và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động”.

Phong vị Tết cổ truyền đã hiện rõ trong đó. Từ món dùng để thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu Xuân (bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành) đến những thứ thuộc về văn hóa (câu đối, cành đào), tâm linh (hái lộc), vui chơi đều được mô tả vừa trữ tình, vừa lãng mạn, phóng khoáng.

Viết về Tết, là viết về những thứ tự nhiên và dung dị. Từ cành đào đến chén trà, từ chiếc bánh chưng đến tà áo mới, từ căn nhà quê đến đường phố tấp nập. Trong văn thơ xưa, chợ Tết được mô tả đầy âm thanh, màu sắc, mùi vị. Chợ ngày Tết đông hơn chợ ngày thường, ồn ào, nhộn nhịp, đầy sự sống với đa dạng hoạt động: Cảnh mua bán tấp nập, hàng hóa ngày Tết, cảnh viết chữ, thú chơi chữ ngày Tết và cả những bức tranh, câu đối đỏ.

Không thể không kể đến bài thơ “Chợ Tết” nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ, hội tụ đặc sắc các yếu tố tả - kể, họa - nhạc trong thi ca: Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ...

Nét đẹp ngày Tết vẫn trường tồn

Tết xưa có thể đã vơi phai, nhưng chưa từng mất đi giá trị trong chân dung văn hóa tinh thần của người Việt. Như Thạch Lam từng thốt lên khi viết về những ngày xuân năm 1940: “Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa.

Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao” là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi thơm thủy tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít đủ lên cao”.

Ông nhắc đến nhiều phong tục ngày Tết, trong đó có tục hái cành lộc. “Có một tục lệ xinh đẹp ý nhị nhất mà năm nào chúng ta cũng phải nêu diễn lại: Đi hái lộc. Bởi vì một cành lá tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa Xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng ta đem về”.

Qua nhiều thập kỷ, người Việt vẫn giữ nét truyền thống hái cành lộc, gói bánh chưng, mua đào quất, thưởng trà và kẹo mứt ngày Tết đến Xuân về. Có chăng chỉ khác ở chỗ nhịp điệu cuộc sống ngày một gấp gáp, dồn dập, không còn sự chậm rãi, bình lặn của những tháng năm xưa cũ.

Mỗi năm một lần, Tết làm thời gian chậm lại, và luôn gợi nhắc cho sự trở về. Người Việt mong cầu năm mới với những hy vọng tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà, mọi người; gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua tục thờ cúng thần linh, tổ tiên, người thân đã mất trong dịp Tết. Sự khởi đầu vui tươi lành mạnh trong mấy ngày Tết tạo cảm hứng, niềm tin về một năm may mắn, hanh thông.

Ngày nay, chuyện sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết đã không còn như thời xưa cũ. Nhưng Tết vẫn sống trong lòng người, trong văn thơ những ngày từ lâu lắm, trong câu chuyện bao đời để lại, và trong ý niệm của văn hóa tinh thần dân tộc Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn