MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhóm học sinh ở Tuyên Quang đã bị kích động theo tâm lý đám đông

Huyền Chi LDO | 08/12/2023 13:51

Vụ việc giáo viên bị học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.

Chiều 4.12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 4 phút, ghi lại cảnh một giáo viên bị nhóm học sinh tấn công. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném bằng dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục.

TS Nguyễn Thúy Hằng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, là một giảng viên, cô buồn và xót xa khi xem được clip liên quan đến vụ việc.

Những chuẩn mực trong môi trường sư phạm không tồn tại ở đây. Học sinh vượt xa khỏi giới hạn, vô lễ với cô giáo. Cô giáo lại đơn độc đến bất lực.

"Khi những vụ việc bạo lực học đường lan truyền trên mạng xã hội, vị thế của người giáo viên và ngành giáo dục cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta là quốc gia có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Việc hiếu học và kính trọng người thầy luôn là đạo lý tốt đẹp của người Việt. Khi những vụ việc bạo lực học đường được lan truyền trên mạng xã hội, chúng ta không còn nhìn thấy sự kính trọng thầy cô, sự chuẩn mực trong môi trường giáo dục.

Trên mạng xã hội đang bàn luận rất nhiều về câu chuyện này, đánh giá tiêu cực cả về giáo viên và học sinh, gây hoang mang dư luận và những làn sóng tranh cãi không đáng có", TS Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ.

Theo Tiến sĩ, bắt nạt, bạo lực trong trường học có xu hướng nghiêm trọng, phức tạp hơn, và yếu tố mạng xã hội có ảnh hưởng đến thực trạng đó.

Theo báo cáo của We Are Social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77.93 triệu người sử dụng Internet, tương đương 79.1% tổng dân số, trong đó có 70 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm 71% tổng dân số.

Thời gian sử dụng Internet mỗi ngày, báo cáo của We Are Social cho thấy người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt Internet.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội cũng đang tác động, chi phối đến đời sống của con người và xã hội. Những mặt trái của mạng xã hội ngày càng bộc lộ, như vấn nạn tin giả, lừa đảo, bắt nạt trên mạng, xâm phạm quyền riêng tư.

TS Nguyễn Thúy Hằng chỉ ra hệ quả của việc học sinh sử dụng mạng xã hội từ sớm: "Trong một đám đông ẩn danh trên mạng xã hội, người ta dễ đánh mất chính mình, dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, dễ có những phát ngôn kích động và bạo lực. Trong một lớp học, khi gần như tất cả các bạn đều hành xử như vậy, các em rất dễ bị “cuốn” vào, cũng giống như một đám đông ẩn danh trên mạng xã hội.

Tôi tin, bây giờ nếu bình tâm xem lại, sẽ rất nhiều bạn học sinh thấy mình sai, mà trong khoảnh khắc cuốn đi cùng bè bạn, cùng đám đông, các em đã không nhận thấy cái sai và sự kích động của mình".

Chuyên gia cho rằng một trong những điều đau lòng nhất khi xem clip là nhiều học sinh tấn công giáo viên, dùng điện thoại ghi hình nhưng không một học sinh nào ngăn chặn.

Điều đó phản ánh việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường học đang thực sự có vấn đề. Đồng thời, kỹ năng giáo dục và xử lý tình huống của giáo viên cũng cần được bàn đến. Có thể nói, cô giáo gần như không có khả năng xử lý tình huống giáo dục này.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, Tiến sĩ Xã hội học Mai Linh cho biết bạo lực học đường đã tồn tại bao nhiêu năm, thậm chí bây giờ còn có hình thức bắt nạn trên không gian mạng.

"Văn hóa mà cao thì không có chỗ cho những hành động lệch chuẩn như vậy. Trong một tập thể còn ủng hộ hành động sai trái với thầy cô thì quá đáng ngại. Văn hóa tập thể phải được xác lập, cùng các quy định, tiêu chuẩn rõ ràng, đảm bảo tính dân chủ và không gây tranh cãi", TS Mai Linh nhấn mạnh.

Vì vậy, TS Mai Linh cho rằng quan trọng không phải là quản lý những học sinh bắt nạt mà phải tạo ra không gian an toàn, thân thiện, gắn bó cho học trò và thầy cô giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn