MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lá thư thời chiến được anh Phạm Hoài Thủy gửi cho người vợ ở hậu phương. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

Những bức thư cảm động của chồng nơi tiền tuyến gửi vợ ở hậu phương

Vương Trần LDO | 14/02/2024 12:48

Những lời động viên, hứa hẹn cho tương lai được gửi gắm qua những cánh thư và sự hi sinh thầm lặng của người vợ ở hậu phương chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để người lính ở tiền tuyến yên tâm chiến đấu. Nhân ngày Lễ tình nhân (14.2), cùng xem lại những bức thư của chồng nơi tiền tuyến gửi người vợ ở hậu phương trong thời chiến để nhớ về một thời "hoa lửa" song không thiếu vắng tình yêu.

Năm 1961, chàng thanh niên Phạm Hoài Thủy, tỉnh Vĩnh Phúc đi thi đấu bóng chuyền tại Lào Cai. Tại đây, anh đã đem lòng yêu thương cô gái có mái tóc dài, đôi mắt to trong đoàn bóng chuyển của tỉnh Phú Thọ.

Tình cảm chân thành của chàng trai phong độ, lịch lãm, tình yêu đến không ồn ào, không hào nhoáng nhưng chân thật và say đắm, đã chinh phục được cô gái Lê Nguyệt Bảo.

Sau 3 năm yêu nhau, họ quyết định kết hôn, lễ cưới diễn ra rất bình dị, giản đơn nhưng vô cùng hạnh phúc trước sự góp vui của hai bên gia đình và bạn bè.

Thời gian trôi qua, hạnh phúc được nhân lên khi đôi vợ chồng trẻ được làm bố, làm mẹ. Thế nhưng khi Tổ quốc gọi, tạm gác lại hạnh phúc cá nhân, Phạm Hoài Thủy để lại người vợ đang mang thai đứa con thứ 3 cùng 2 đứa con thơ để lên đường chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị (1972).

Những tháng ngày đầu trong quân ngũ thật vất vả, khó khăn, nỗi nhớ gia đình cứ dâng trào, mọi tình cảm nhớ thương đều được gửi gắm qua những cánh thư.

Những lời động viên, hứa hẹn cho tương lai và sự hi sinh thầm lặng của người vợ ở hậu phương chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để anh yên tâm chiến đấu.

Nhân ngày Lễ tình nhân (14.2), cùng xem lại những bức thư của chồng nơi tiền tuyến gửi người vợ ở hậu phương. Những bức thư này được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sưu tập, do bà Nguyệt Bảo trao tặng.

Cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam - có một thời như thế”. Ảnh: T.Vương

Trong lá thư “Chỉ còn đêm nay! Ngày mai anh sẽ ra trận” viết ngày 17.12.1972 gửi cho vợ, có đoạn anh Thủy đã viết: “Đêm nay không sao ngủ được em ạ! Không phải vì sợ chiến trường đâu! Không một ai có ý nghĩ như thế, trái lại rất vui, rất phấn khởi, náo nức. Một đêm trước ngày lên đường ra trận nó thao thức như đêm giao thừa chờ nghe thơ của Bác ấy. Nhớ nhiều lắm! Nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương, gia đình. Mấy quả đồi trọc xa lạ này đã thấm mồ hôi trong những ngày luyện tập cũng nhớ, cáp sạp nứa đang nằm cũng trở nên gắn bó yêu thương. Xung quanh anh chưa có ai ngủ, khuya lắm rồi dễ phải khoảng 12h30. Hôm nay trung đội cho thức khuya”.

Hay trong lá thư viết ngày 26.10.1974, có đoạn anh Hoài Thủy viết: “Thực ra không có lúc nào anh không nghĩ tới em và các con. Điều đó tưởng như vô lý vì trăm việc ngổn ngang, bom pháo suốt ngày thì làm sao mà nhớ được! Đâu phải như thế! Chính những lúc vất vả, ác liệt, gian nan lại là lúc anh nghĩ nhiều về em và con”.

Có đoạn trong thư viết: “Có lẽ thương anh em khóc nhiều rồi. Yêu anh em vẫn thích cười với anh phải không em? Anh hiểu em gượng cười để cho anh yên tâm, anh khỏi buồn trong những ngày xa này. Anh hiểu vầng trán thông minh của em, không muốn chồng phải buồn lo, muốn tất cả nỗi buồn đau, vất vả mình mình chịu để người khác và chồng con được yên lành, hạnh phúc. Em gái của anh, nàng tiên dịu hiền của anh! Tấm lòng ưu ái của em đáng yêu và đáng trọng biết bao nhiêu”.

Trong lá thư “Sẽ trở về với em trong ngày gần đây” viết tại Sài Gòn đề ngày 6.5.1975 gửi cho người vợ, anh Hoài Thủy viết: Em yêu ơi! Anh đi cũng nhiều nơi và nếu có đi cùng trời cuối đất thì chẳng ở đâu đẹp và đáng yêu bằng quê hương. Nơi đó anh có người vợ hiền đỏ mắt chờ trông gần ba năm ròng rã, nơi đó anh có những đứa con yêu đang mong chờ từng ngày, anh chỉ mong chờ ngày về với em và con thôi”.

Những lá thư của tiền tuyến gửi hậu phương này cũng được giới thiệu trong cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam - có một thời như thế” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành và giới thiệu ra mắt sách trong ngày 14.2 (ngày mùng 5 Tết Giáp Thìn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn