MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về tập thơ “Những con sóng” của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và tác giả (bên phải) trong buổi ra mắt tập thơ chiều 23.4.2021, tại hội trường Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội). Ảnh do nhà thơ NTHN cung cấp

“Những con sóng” của người đàn bà thơ

Việt Văn LDO | 03/05/2021 14:50
“Những con sóng” là tập thơ mới của Nguyễn Thị Hồng Ngát mới ra mắt cuối tháng 4, với 76 bài thơ được viết từ năm 1981 đến 2021. “Những con sóng” trong cuộc đời của một người đàn bà đa tài, nhiều thăng trầm cuộc sống nhưng vẫn lạc quan. “Ngắm mãi càng thấy yêu cây mai già/Không bao giờ chấp nhận mình/Cằn cỗi” (trong bài “Nhất chi mai”).

Đa tài

Tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát là một người đa tài. Tốt nghiệp khoa Biên kịch - Đại học Điện ảnh quốc gia Moskva (VGIK, Liên Xô cũ), chị từng giữ nhiều trọng trách quản lý như Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam, trước đó là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam. Và đặc biệt ở lĩnh vực sáng tác, chị là nhà thơ, nhà biên kịch, giành nhiều giải thưởng văn học - điện ảnh như giải khuyến khích thơ báo Văn nghệ, giải nhì thi sáng tác văn học thiếu nhi, giải biên kịch xuất sắc Liên hoan phim… Và đỉnh cao là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật - 2012. Chị đã xuất bản 7 tập thơ, 4 tập văn xuôi (tiểu thuyết, truyện vừa, ghi chép - tiểu luận), 10 vở kịch sân khấu và 9 kịch bản điện ảnh. Với kịch bản điện ảnh, chị có những tác phẩm với đề tài và cách thức thể hiện đột phá, táo bạo, tiêu biểu là “Canh bạc”.

Những thành công đó xuất phát từ cuộc đời sóng gió, nhiều thăng trầm, trải nghiệm và luôn luôn nỗ lực vượt lên của chị. Như con dao pha ở nhiều lĩnh vực, mà lĩnh vực nào cũng sinh trái ngọt, nhưng có lẽ thơ là mảnh đất ở đó chị đúng là chính mình nhất, bộc lộ đầy đủ tính cách của một Hồng Ngát quyết liệt, mạnh mẽ nhưng cũng rất giàu chất đàn bà. Yêu, ghét không giấu được và nhiều khi chính cái cảm xúc mạnh đã cản trở chị trong nhiều chuyện. Không phải ai cũng quý Hồng Ngát, nhưng dù yêu, ghét thì mọi người đều thừa nhận chị không phải là người... âm mưu, nguy hiểm.

Người đàn bà thơ

Với chị, viết đã trở thành nghiệp, khiến chị trở thành “tội đồ của chính mình”, “thích buộc dây vào mình rồi cứ thế lăn đi” (bài “Tôi ngồi viết”). Chị viết giữa cuộc đời, giữa những phút giây rảnh rỗi cả trong lúc chờ nấu cơm chiều khi hai chú chó con chạy quanh nhà.

Trong tâm trạng của một người đàn bà thơ đó, có sự mong manh hoài niệm về một xứ nhãn (Hưng Yên) mảnh đất chị sinh ra giờ đã khác xưa nhiều lắm “tiếng ếch kêu chỉ còn trong hoang tưởng/ Hàng cau giờ chẳng soi bóng bờ ao” (Sao anh không về chơi xứ nhãn). Chị xót xa khi về lại địa chỉ vàng số 4 Thụy Khê của Hãng phim truyện Việt Nam (nơi chị từng là Giám đốc một thời) giờ sau vụ cổ phần hóa với mấy ông “cát sỏi” giờ xập xệ tan hoang “Ríu rít từng con chữ/ Long lanh từng thước phim/ Nụ cười và nước mắt/ Giờ ở đâu mà tìm” (Vàng son một thuở). Và ký ức về một thời chiến tranh hiển hiện trong chị dù 45 năm đã đi qua “Em đánh ba hồi trống /Em đánh bảy tiếng chuông/Thỉnh các anh về/Trong nỗi nhớ (Bài ca Trường Sơn). Dư âm về những cánh rừng già, ký ức về những người lính như một đoạn đời đẹp gắn liền với tuổi thanh xuân của chị.

Thơ của Hồng Ngát có sự chân chất, giản dị từ những bài chị viết những năm 80 “Niềm vui thì dễ qua mau/ Nỗi buồn lưu lại ở lâu cùng người” (Mùa hè đầu tiên đi lao động trên công trường lúc giải lao em viết cho anh) cho đến sau này, khi nhìn lại những cuốn sách quý trên tủ, chị bật ra “Những quyển sách dày cộp/ Bụi phủ cùng tháng năm/ Mồ hôi và nước mắt/ Liệu rồi vô nghĩa chăng” (Sách).

Những năm tháng học, sống và yêu ở nước Nga đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, tràn vào trong thơ Hồng Ngát tạo nên “Ngày buồn”, “Tự nói với mình”, “Xin trả lại”… Và ở đó, nó hiện lên hình ảnh một người đàn bà đắm đuối trong tình yêu, không đắn đo, cân nhắc, yêu là hết mình, là cho đi không hề hối tiếc. Bởi có lẽ mỗi tình yêu đi qua đều là “máu thịt của đời tôi” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói. Trong bài “Xin trả lại” của Hồng Ngát, có những câu thơ rất thấm: “Xin sống trọn một mùa đông Nga/ Không chút nắng và xin đừng mong nắng/ Rét ngọt ngào dù mênh mông tuyết trắng/ Là điềm lành hơn có chút nắng soi”.

Trong tập thơ, có một bài dường như tách hẳn ra mang một nét thơ khác hẳn. Bài “Trả duyên” là tiếng thở dài có chút buồn bã khi người chồng cũ (từng là một người lính Trường Sơn cũ) đã ra đi… Những ký ức vui, buồn, trở về để ”Thù hận cũ đã thả hết xuống sông…/Đau đớn cũ đã nhờ sông khỏa lấp/Ai nỡ giận một người đã khuất/Cho dù khi sống anh luôn thay mặt đổi màu”. Người đàn bà “Xin trả lại duyên tình đã hết/ Thảnh thơi xin anh hãy thảnh thơi”.

Thời gian qua đi, chị chiêm nghiệm nhiều hơn và biết dần “buông” như chữ “xả” trong đạo Phật, dù đó là điều không dễ làm: “Một đời được mấy giấc say/Được bao nhiêu tháng, nhiêu ngày mừng vui/Tưởng rằng thôi thế thì thôi/Nói buông đâu dễ một lời là buông” (Đêm không ngủ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn