MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà con khắp nơi đến dự Lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực cùng nhau ăn bữa cơm chay miễn phí. Ảnh: N.A

Những điều miễn phí đặc biệt chỉ có ở Lễ hội Nguyễn Trung Trực

NGUYÊN ANH LDO | 20/09/2022 18:33
Kiên Giang - Dù số lượng người dân đến Lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực rất đông, tuy nhiên, không ai phải lo lắng chuyện ăn cơm, uống nước, nhang đèn cúng lễ hay chỗ nghỉ tạm vì tất cả đều được bố trí chu đáo và hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người.

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2022) hay còn được người dân khắp nơi quen gọi với cái tên thân thương là Lễ giỗ cụ Nguyễn, đây là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Năm 2019 (thời điểm không có dịch bệnh COVID-19) lễ hội tại Kiên Giang đón hơn 1 triệu lượt khách đến thắp hương, chiêm bái cụ Nguyễn. Năm nay, khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát ổn định bà con nhân dân khắp nơi đổ về càng đông hơn.

Có thể nói đây là một mô hình lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, mọi người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong lễ hội và khi ốm đau được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sau lễ giỗ, những sản vật dâng cúng của nhân dân đều được sử dụng để cứu tế cho dân nghèo, các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội.

Người dân tự nguyện đến làm các công việc phục vụ cho Lễ hội. Ảnh: N.A

Ông Nguyễn Phước Hoa, Phó ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cho biết: “ Bà con đoàn kết cùng nhau tựu về làm 1 lễ giỗ như người trong gia đình, nét văn hóa này không phải ở đâu cũng còn lưu giữ được. Ai có gì góp đó, tất cả đều là người xa lạ nhưng tụ họp về như một gia đình để tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn được tươm tất, chu đáo”.

Để phục vụ được số lượng người dân đến viếng, trước đó hàng ngàn người dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã đến TP Rạch Giá để tự nguyện làm công quả, phục vụ cho lễ hội. Ông Nguyễn Văn Thành, người dân đến từ An Giang cho biết: “Đoàn của tôi đã làm phục vụ tự nguyện cho lễ giỗ ông gần 20 năm nay. Năm nào chúng tôi cũng đến trước để chuẩn bị nấu nướng phục vụ bà con dự lễ đến qua lễ thì mới về. Tất cả đều từ lòng thành kính nên cho dù không quen biết thì vẫn cùng nhau làm tốt mọi công việc của lễ”.

Theo Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, bà con khắp nơi đã đóng góp cho lễ hội rất nhiều từ vật chất đến công sức, ai có gì góp đó. Ban cũng đã tiếp nhận hơn 500m3 củi, 65 tấn gạo, 2.000 chiếc võng phục vụ chỗ nghỉ cho bà con ngoài ra còn rất nhiều nhu yếu phẩm khác.

Khoảng 2000 chiếc võng được bố trí cho bà con đến dự lễ hội có chỗ nghỉ ngơi. Ảnh: N.A

Dù khách đổ về rất đông nhưng mọi người đều tự ý thức phần việc của mình nên mọi công việc đều diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Bà con đến lễ hội có cơm chay miễn phí để dùng, nước uống được phát tận tay, nhang đèn cúng cũng được chuẩn bị sẵn không phải tốn kém để mua.

Bà Trần Ngọc Mai, người dân đến từ Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi lặn lội xa xôi đến viếng ông, trước là thắp nén nhang cúng bái sau là cùng chung sức phục vụ cho lễ hội. Ở đây cơm nước miễn phí, ai đói thì cứ ăn xong rồi mình cùng vào làm phụ giúp lại phục vụ cho bà con khác đến lễ như người trong nhà với nhau vậy”.

Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cấp quốc gia. Lễ hội đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm, có sức ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang và các tỉnh miền Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn