MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cố họa sĩ Trịnh Tú. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp

Những gương mặt trần gian trong ngôn ngữ và sắc màu của họa sĩ Trịnh Tú

Mi Lan LDO | 27/06/2024 11:35

Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc” đã vẽ nên những gương mặt trần gian và cả thế giới trần gian bằng sắc màu và ngôn ngữ riêng biệt, vừa bay bổng vừa khúc triết, vừa tài hoa vừa am tường.

Đọc “Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc” sẽ thấy mỗi trang sách đều mở ra thế giới mỹ thuật mênh mang, đầy màu sắc, đầy đam mê của tác giả.

Ngôn ngữ đẹp như tranh

Ngay những trang đầu, có thể bắt gặp tác giả say mê ngắm những cổ vật gốm sứ thời Lý – Trần. Trong mắt họa sĩ Trịnh Tú, Lý -Trần là thời đại rực rỡ của mỹ thuật ở các lĩnh vực điêu khắc đình chùa và gốm sứ. Ngắm mỗi cổ vật gốm sứ - từ chiếc chén, bát, chân đèn... tác giả đều thấy trong đó chứa đựng bề dày văn hóa thấm đẫm tinh thần Việt, chứa đựng cả thói quen dân tộc, cả chiều dài của một thời lịch sử đầy màu sắc.

Tác giả miêu tả gốm sứ thời Lý -Trần bằng ngôn ngữ tài hoa, mỗi món cổ vật “đều tinh tế và phóng túng, dịu dàng nhưng vẫn thông dụng”.

Họa sĩ Trịnh Tú yêu và say đắm với nhiều lĩnh vực trong mỹ thuật. Ngôn ngữ của ông chất chứa kiến thức, sự am tường, lại bay bổng, lãng mạn, giàu màu sắc. Thứ ngôn ngữ đẹp như tranh vẽ của một họa sĩ tài hoa.

“Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc” tổng hợp lại hàng trăm bài viết in trên các báo từ năm 1997 đến trước khi ông mất (tháng 8.2022). Cuốn sách chia thành 3 phần, phần I là hàng loạt bài viết về chân dung những họa sĩ danh tiếng, những triển lãm khiến họa sĩ rung động, những câu chuyện về mỹ thuật cận đại và đương đại. Phần II gồm những bài viết về sách, bài phỏng vấn, mà đọc mỗi con chữ, đều biết tác giả đã trân trọng, nâng niu từng dòng viết đến nhường nào. Cuối cùng, phần III là những dòng bạn bè viết về ông – giọng văn của những người đương thời, vì trân trọng nhau mà viết.

Phần phụ lục cho in một số tác phẩm ông vẽ chân dung bạn bè, chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, một vài bức ký họa trên phấn màu, than chì...

Ở tranh, hay trên mỗi trang viết, đều cho thấy sự trân trọng, nâng niu của tác giả dành cho những người bạn, những nhân vật mà ông dành tâm sức phác họa, dù bằng màu sắc, hay ngôn ngữ.

Trong bài viết “Tranh Nguyễn Khánh Toàn ở Macedonia”, họa sĩ Trịnh Tú viết: “Tranh của Nguyễn Khánh Toàn là một giọng ca riêng biệt, phiêu bồng, trôi trên nền sự thật trần gian, ngồn ngộn thanh âm...”.

Trịnh Tú dùng tất cả các giác quan để cảm thụ mỹ thuật. Ông không chỉ nhìn ngắm, cảm nhận sắc màu, lắng đọng cảm xúc, ông còn nghe thấy thanh âm, nhịp điệu, tiếng đồng vọng từ thời gian, lịch sử... khi đối diện và thưởng lãm một tác phẩm mỹ thuật.

Sức ảnh hưởng, sự va đập của thời đại, của cuộc sống, của những biến cố trong hành trình trần gian – các tác giả đều thể hiện rất rõ trên các tác phẩm của họ - và Trịnh Tú nắm bắt một cách tinh tế, am tường khi viết chân dung tác giả, tác phẩm.

Đọc các bài viết của họa sĩ Trịnh Tú có thể hình dung ra ông trên mỗi trang viết của mình – một người lặng lẽ, cẩn trọng với từng chữ, nhưng mỗi chữ đều tràn đầy cảm xúc.

Cảm xúc đến từ tình yêu ông dành cho mỹ thuật, cho mỗi tác phẩm, và sự trân trọng ông dành cho từng tác giả.

Cuốn sách của cố họa sĩ Trịnh Tú - “Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc“. Ảnh: Nhà xuất bản Hội nhà văn

Mây trắng bay về

Trong bài viết “Nguyễn Sáng một cõi đi về”, họa sĩ Trịnh Tú viết năm 2013 về danh họa Nguyễn Sáng – tác giả của 2 tác phẩm nổi tiếng được công nhận là bảo vật quốc gia gồm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" và "Thanh niên thành đồng”.

Họa sĩ vẽ chân dung Nguyễn Sáng bằng văn phong giản dị, mộc mạc. Trịnh Tú viết về Nguyễn Sáng, “... ông thích ra đường cho đến chiều tối mới trở về, một mình một cõi, nghĩ và vẽ...”, Nguyễn Sáng thường “uống một thứ rượu quê rẻ tiền với một hai bìa đậu trắng, lặng thinh nhìn vào vô định”.

Trong những ngày tháng buồn bã đó, danh họa Nguyễn Sáng đã hoàn thành kiệt tác cuối cùng của đời mình, bức “Vũ trụ” chất liệu sơn mài.

Họa sĩ Trịnh Tú viết rằng, “Bức tranh có tên Vũ trụ ấy như báo hiệu một dự cảm đã hình thành từ thẳm sâu tâm thức ông về điểm dừng của một chặng đường dài...”.

Sau bức vẽ ấy, Nguyễn Sáng qua đời.

Họa sĩ Trịnh Tú rời cõi tạm vào tháng 8 năm 2022.

Họ đều đã như mây trắng về trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn