MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Một đời gắn bó” - Đặng Kế Đức (Việt Nam) - Huy chương Vàng VAPA - Đề tài Tự do cho ảnh đơn sắc

Những hình ảnh đẹp mừng 70 năm nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam

Việt Văn LDO | 15/03/2023 08:09

Cùng với nhiều hoạt động mừng 70 năm Nhiếp ảnh Việt Nam, các chi hội nhiếp ảnh ở các địa phương, tại Hà Nội diễn ra một số hoạt động đáng chú ý, tiêu biểu là lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 12 năm 2023 tại Việt Nam (VN-23) và lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Vẻ đẹp hài hòa

Lễ khai mạc, trao giải VN-23 đã diễn ra tại sân Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) chiều 13.3. Cuộc thi được bảo trợ bởi Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP), Hiệp hội Hình ảnh không biên giới Pháp (ISF), với 4 chủ đề: Tự do màu, Tự do đơn sắc, Trẻ em và Ý tưởng, đã quy tụ 10.330 tác phẩm của 1.079 tác giả tham dự của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.

4 hội đồng giám khảo với mỗi hội đồng có 2 giám khảo quốc tế, một giám khảo Việt Nam chấm online độc lập, đảm bảo tính khách quan, đã chọn 1.155 bức ảnh được tiếp nhận ban đầu theo tiêu chí quốc tế (áp dụng với 2 tổ chức: FIAP và I/SF); sau đó, tiếp tục rà soát theo tiêu chí VAPA, chọn ra bộ 499 ảnh triển lãm VAPA gồm 71 giải thưởng cho cả 3 hệ thống VAPA, FIAP và ISF. 

Nhìn chung, các tác phẩm đoạt giải của các tác giả quốc tế có sự khác biệt về góc nhìn so với các tác giả Việt Nam, không chỉ ở ý tưởng mà còn ở cách tiếp cận vấn đề, thể hiện. Và đó là một tham khảo hữu ích cho các tay máy Việt bởi sự đa dạng của văn hóa từng quốc gia. Dù rằng trên thế giới có nhiều xu hướng nhiếp ảnh đa dạng mà phạm vi của FIAP và ISF thiên về những vẻ đẹp hài hòa hơn là những câu chuyện ảnh gói ghém những vấn đề xã hội nóng hay những bộ ảnh mang tính ý niệm, thuộc dòng nhiếp ảnh đương đại (contemporary).

Nhiếp ảnh luôn đồng hành cùng đất nước

Chiều 15.3.2023, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Số 11, đường Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. 

Phim phóng sự Nhiếp ảnh Việt Nam, 70 năm đồng hành cùng đất nước và diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam của lãnh đạo hội đã điểm lại hành trình của nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam.

Ngày 15.3.1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Ngày 16.12.2002, Bộ Nội vụ đã đồng ý lấy ngày 15.3 hằng năm là ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngày 15.3.1953 là ngày mở đầu của Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam, dấu mốc quan trọng để nhiếp ảnh phát triển mạnh theo định hướng của Chính phủ, còn thực chất nhiếp ảnh cách mạng ra đời sớm hơn nhiều.

Từ năm 1946 huyện Định Hóa trở thành ATK của Trung ương. Tháng 11.1949 hội nghị đầu tiên của các nhà nhiếp ảnh tại chiến khu Việt Bắc thành lập Đoàn Nhiếp ảnh kháng chiến. Năm 1950 Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập Phòng Điện ảnh Nhiếp ảnh. Năm 1952, Phòng Điện ảnh Nhiếp ảnh từ Tuyên Quang về Đồi Cọ. Ông Tô Na là Trưởng ban Nhiếp ảnh thuộc Tổng cục Chính trị. Ban Nhiếp ảnh có Nguyễn Tiến Lợi, Triệu Đại, Bùi Duy Ly, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông… Vũ Năng An chụp ảnh bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đinh Đăng Định chụp ảnh bên Bác Hồ. Phần lớn các nhà đạo diễn, quay phim cũng xuất thân từ nhiếp ảnh như: Phan Nghiêm, Nguyễn Hồng Nghi, Mai Lộc, Phạm Văn Khoa…

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL vào thời điểm ta đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trận chiến đánh bại quân xâm lược Pháp.

Từ đó đến nay, sau 70 năm, nhiếp ảnh về cơ bản vẫn đi theo nhiệm vụ và định hướng được nêu trong Sắc lệnh. Với thế mạnh phản ánh hiện thực, nhiếp ảnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng.

Nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh nghệ thuật đều có những thành tựu quan trọng, không chỉ thể hiện qua hàng chục vạn bức ảnh của công tác truyền thông báo chí mà còn qua hàng nghìn cuộc triển lãm nghệ thuật của các tác giả Việt Nam trong nước và quốc tế. Về mặt nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là cơ quan tiêu biểu nhất cho những hoạt động có chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh là bộ môn đại chúng ngày càng có sức lan tỏa trong xã hội và chú ý tới công tác đối ngoại, khi mở rộng cánh cửa và giới thiệu với công chúng những thành tựu tiến bộ của bạn bè quốc tế. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng tích cực mở các cuộc thi ảnh quốc tế, cũng như khuyến khích hội viên tham gia vào các cuộc thi ảnh quốc tế mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút công chúng của nhiếp ảnh.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt giá trị thực tiễn và lý luận của bản Sắc lệnh 147/SL đã soi đường để Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành nhiều tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Hàng chục tác giả đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh. Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời dần xác lập vị trí của Nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn