MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thơ văn trên kiến trúc cung đình của Huế được UNESCO vinh danh. Ảnh: H.V.M

Những kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản tư liệu

Hoàng Văn Minh LDO | 18/05/2021 08:55
Vào ngày 19.5.2016, ngay tại diễn đàn hội nghị lần thứ 7 của Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO được tổ chức tại Cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Qua sự kiện này, Huế và Việt Nam có thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý giá về xây dựng hồ sơ di sản tư liệu.

Tính độc đáo và quốc tế của di sản

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế - là một trong những người trực tiếp xây dựng hồ sơ về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Theo TS Phan Thanh Hải, kinh nghiệm đầu tiên từ việc xây dựng hồ sơ của Huế là cần nắm chắc để làm rõ các tiêu chí mà di sản đề cử phải đáp ứng được, đặc biệt là tính độc đáo và tính quốc tế của di sản ấy.

Lấy ví dụ qua đợt khảo sát thực tế tại Cố đô Huế, ông Rujaya Abhakorn (người Thái Lan), Đại sứ thiện chí, thành viên Hội đồng, Giám đốc Tổ chức văn hóa, giáo dục, khảo cổ học, nghệ thuật của ASEAN có đặt ra những vấn đề ông băn khoăn và đề nghị đơn vị đề cử cần bổ sung giải trình trước khi đệ trình hồ sơ. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề lớn: Thứ nhất là ảnh hưởng của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ra nước ngoài, hay nói cách khác là tính quốc tế của di sản này được lan tỏa như thế nào. Và thứ hai là vấn đề liên quan đến tính độc đáo, tính xác thực và tính duy nhất của di sản thơ văn này.

“2 vấn đề ông Rujaya Abhakorn nêu lên, thực chất trong hồ sơ đã có đề cập nhưng chưa rõ, chưa có số liệu xác thực để chứng minh thuyết phục hơn, vì vậy chúng tôi buộc phải tập trung nghiên cứu và nhờ chuyên gia hỗ trợ để hồ sơ đầy đủ hơn, làm rõ được các tiêu chí mà di sản được đề cử cần đáp ứng” - TS Phan Thanh Hải nhớ lại.

Một vấn đề khác về việc lập hồ sơ, theo đánh giá của lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, thì những hạn chế lớn của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ ở chỗ các hồ sơ chưa nhấn mạnh, khai thác, nêu bật được các tiêu chí có tính chất đặc thù riêng của tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cách làm của chúng ta còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có hội đồng tư vấn để tập trung các nhà khoa học, các chuyên gia, do đó mỗi lần xây dựng hay sửa chữa hồ sơ thì phải đưa hồ sơ đến để tham khảo từng nhà khoa học, chuyên gia. Khi có Hội đồng tư vấn, việc phân tích, đánh giá các bộ hồ sơ sẽ tốt hơn. Trong khi các di sản đang ngày một xuống cấp và chưa được xã hội đánh giá đúng giá trị của nó, với những kinh nghiệm xây dựng, đệ trình hồ sơ đề cử được các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, các tổ chức, cá nhân sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của tư liệu để cùng chương trình MOW của Việt Nam xây dựng bộ hồ sơ theo các cấp khác nhau từ khu vực đến thế giới một cách hệ thống, đáp ứng đúng tiêu chí của UNESCO.

Việt Nam không có di sản tương tự

Khó khăn lớn nhất của đội ngũ lập hồ sơ về “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) là những dạng di sản tư liệu tương tự như vậy chưa hề có ở Việt Nam và có lẽ trên phạm vi toàn thế giới. Hơn nữa, thơ văn được khắc, chạm, vẽ, đắp trên liên ba, đố bản, bờ nóc, bờ quyết công trình, đa số là ở những vị trí không mấy thuận tiện cho người tiếp xúc trực tiếp; thêm nữa, số người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về tài liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” thì lại rất ít.

Trung tâm BTDTCĐ Huế, theo TS Phan Thanh Hải cũng có không nhiều người biết chữ Hán Nôm và chỉ có rất ít người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tư liệu đặc thù này trong khi khối lượng tài liệu thơ văn lại rất lớn với gần 3.000 đơn vị, phân bố trên nhiều vị trí khác nhau của công trình di tích. Việc thuyết minh làm toát lên giá trị khối tài liệu này bằng tiếng Việt đã khó, nay phải phiên âm, dịch nghĩa, chuyển tải những thông tin này sang tiếng Anh chuyên ngành lại càng khó hơn. Tuy vậy bằng mọi cách, bộ hồ sơ cũng đáp ứng được rất nhiều tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, tầm ảnh hưởng, giá trị…

Kinh nghiệm quý giá nữa, đến từ 2 đợt Hội thảo - Tập huấn quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm tham gia chương trình MOW của UNESCO” được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tại Hà Nội và TPHCM. Các đại biểu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và các báo cáo viên của Việt Nam đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến việc triển khai chương trình MOW ở Việt Nam, việc xây dựng hồ sơ và đệ trình hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu thế giới… Đây là những dịp hiếm hoi tạo cơ hội cho cán bộ công tác tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, các cơ sở văn hóa khác có cơ hội lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế về chương trình MOW, đồng thời được hướng dẫn kỹ năng xây dựng hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu cấp khu vực và quốc tế cho những tư liệu có giá trị của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn