MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ban nhạc biểu diễn trong khuôn viên quán. Ảnh: Thanh Tuấn

Những “nghệ nhân” đánh đàn, trống, chiêng mua vui cho thực khách

THANH TUẤN LDO | 03/09/2023 12:22

Kỳ nghỉ lễ 2.9, rất đông du khách đến vui chơi, thưởng thức ẩm thực và âm nhạc tại quán của nghệ nhân đất Gia Lai, ông Ksor Hnao. Tại đây, một ban nhạc với đủ bộ cồng chiêng, trống, đàn… đậm chất truyền thống của văn hoá bản địa Jrai sẵn sàng làm hài lòng thực khách.

This browser does not support the video element.

Từ đầu làng Kép, phường Đống Đa, TP Pleiku, đã nghe thấy rộn ràng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng thánh thót, vui tai của ban nhạc. Trong khuôn viên sân vườn rộng lớn, nghệ nhân Ksor Hnao dựng cây nêu, bày bộ cồng chiêng lâu đời từ thời cha ông để lại và chiếc đàn t’rưng được làm từ các thanh lồ ô, tre nứa lấy ở rừng già.

Âm thanh từ tiếng đàn đầy sức thu hút. Ảnh: Thanh Tuấn

Gà nướng cơm lam là đặc sản của quán, nhưng hầu như du khách hoàn toàn bị cuốn hút bởi âm nhạc và ban nhạc đang say sưa trong từng thanh âm của điệu múa. Các thành viên ban nhạc nhiều độ tuổi khác nhau, từ chàng trai Jrai tuổi mới đôi mươi cho đến “nghệ sĩ” già đã nhiều năm biểu diễn.

Họ mặc trên mình bộ áo quần thổ cẩm nhiều sắc màu, tiếng hát, lời ca đều mang âm hưởng núi rừng, như từ xa xưa vọng lại với nhiều mong muốn, khát vọng về tình yêu thiên nhiên, bản làng, đất nước…

Chị Ngô Ngọc Hân, một du khách từ Bình Định cho biết: “Mình được đắm chìm trong không gian văn hoá Jrai, ẩm thực kết nối với âm nhạc. Dọc các bức tường treo cồng chiêng, chiếc tẩu thuốc lá, cung nỏ, áo thổ cẩm đồng bào, chiếc gùi…mình cảm thấy được khám phá thêm đời sống, tâm hồn và thần minh của những cư dân bản địa”.

Sau khi hát giữa sân vườn, ban nhạc sẽ tới từng bàn của thực khách để đứng hát cạnh họ, như để tri ân, tặng khách những bài hát của Tây Nguyên và cũng như muốn du khách nghe rõ hơn giọng ca trong trẻo, mạnh mẽ ẩn chứa nhiều khát vọng của người con trai, con gái Jrai.

Hát bên thực khách. Ảnh: Thanh Tuấn

Được biết, mỗi ban nhạc rất đông người, khoảng hơn 15 thành viên. Khi có thành viên bị ốm đau, lo việc gia đình không đi biểu diễn được sẽ mau chóng mời người ở trong làng chạy đến tham gia. Đó có thể là cụ già tóc bạc phơ hay em nhỏ chưa đến 10 tuổi.

Vì bên trong bản làng, thôn buôn ở Gia Lai, người ta vẫn truyền dạy nhau về cách chơi nhạc, cách múa cồng chiêng, đánh trống để giữ gìn văn hoá cha ông không bị mai một.

Ban nhạc thả hồn trong tiếng hát lời ca. Ảnh: Thanh Tuấn

Ban nhạc không chỉ biểu diễn ở quán của nghệ nhân Ksor Hnao mà còn “chạy sô” ở các nhà hàng ẩm thực khác như: Tơ Nưng-Biển Hồ, Plei Cồng Chiêng...

“Tôi đi du lịch nhiều nơi nhưng vẫn rất ấn tượng với cách thu hút du khách của nơi này. Khi màn đêm buông xuống, lửa trại được thắp lên, du khách sẽ nắm bàn tay ấm của người con trai, con gái Jrai xinh đẹp nhảy bên ánh lửa, để cảm nhận hơn về mảnh đất thân thiện, nghĩa tình. Đó là cách làm du lịch hấp dẫn cũng là cách để quảng bá du lịch rộng rãi để du khách hẹn ngày quay trở lại”, anh Nguyễn Lộc- du khách TP Nha Trang (Khánh Hoà) chia sẻ.

Nghệ nhân Ksor Hnao ở làng Kép (phường Đống Đa, TP Pleiku, Gia Lai) là người am hiểu các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nghệ nhân này được biết đến với việc giỏi tạc tượng, đánh chiêng và biết làm các loại đàn bằng tre, nứa như: Goong, kơni hay t’rưng.

Nghệ nhân chơi thành thạo các loại nhạc cụ này và ông đã truyền dạy cho hàng trăm học trò, trong đó có thành viên ban nhạc. Ông thường xuyên được mời về các thôn, làng, các trường học trên địa bàn Gia Lai và các tỉnh lân cận để truyền dạy cách tạc tượng, đánh chiêng và chỉnh chiêng cho các thế hệ sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn