MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngón tay lả lướt cung bậc bổng trầm

LỤC TÙNG LDO | 06/02/2019 12:30
Ông là “Di sản sống” - một nhà báo  Pháp  viết về nhạc sư Vĩnh Bảo - vị “hậu tổ” của Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông còn như “phù thủy” âm thanh khi thả những ngón tay lả lướt những cung bậc bổng trầm để tiếng đờn chân chất, mộc mạc toát lên nét kiêu sa, đài các, đưa người nghe đến thế giới sâu lắng để buồn, để vui, để cho đi và nhận lại...

“Phù thủy” âm thanh

“Tôi học đờn từ năm 5 tuổi như sự thôi thúc không cưỡng lại được, bởi ba tôi không thích con cái mê đờn mà chểnh mảng chuyện học hành” - cụ Nguyễn Vĩnh Bảo, tức nhạc sư Vĩnh Bảo kể.

Nhạc sư Vĩnh Bảo đã học đờn với hơn 200 thầy nhạc (như ông tự nhận), cộng với năng khiếu thiên bẩm, ông không chỉ chơi thành thạo nhiều nhạc cụ như đờn đoản, đờn kìm, đờn gáo... từ năm 10 tuổi, mà còn học thêm các cây đờn tranh, đờn kìm, đàn độc huyền và nhiều nhạc cụ Tây phương khác như Mandolin, Piano, Violon... 

Và với bất cứ nhạc cụ nào, ông cũng biểu diễn những cung bậc bổng - trầm theo cảm thức âm thanh mà chỉ có sự miệt mài lao động và tài năng thiên bẩm mới có được. Vì vậy năm 1938, khi mới 20 tuổi (ông sinh năm 1918) ông đã được hãng đĩa BEKA mời cùng hòa tấu cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca. Từ đó, uy tín ông ngày càng  vang dội...

Tôi có dịp trực tiếp nghe tiếng đờn của nhạc sư tại TP.Cao Lãnh (ngày 28.5.2018, nhạc sư Vĩnh Bảo từ TP.Hồ Chí Minh chuyển về Đồng Tháp sinh sống trong ngôi nhà do chính quyền tỉnh Đồng Tháp vận động một số doanh nghiệp và gia đình cùng nhau đóng góp. Cao Lãnh  là quê hương nơi nhạc sư lớn lên).

 Ông đã bước qua tuổi 100, nhưng tiếng đờn của ông thật nội lực. Ông như “phù thủy” âm thanh, khi những ngón tay lả lướt lên những cung bậc bổng trầm để tiếng đàn chân chất, mộc mạc lại toát lên nét kiêu sa, đài các đưa người nghe đến thế giới sâu lắng nhất để buồn, để vui, để cho đi và nhận lại. 

GSTS Trần Quang Hải - con trai GSTS Trần Văn Khê  - xem tiếng đờn của ông là “độc nhất vô nhị”: “Tôi biết đờn tranh và có dịp nghe nhiều thế hệ biểu diễn, nhưng chưa nghe ai có ngón đờn sang trọng, đài các như ngón đờn của nhạc sư Vĩnh Bảo”.

Nhạc sư Vĩnh Bảo và cố GS Trần Văn Khê. Ảnh: T.L

Bắt đờn ngoại nói tiếng Việt

Sau thời gian gắn bó, bằng sự tinh tế của mình, ông nhận ra đờn tranh 16 dây có nhiều nhược điểm. Ngoài âm lượng nhỏ và ngân không vang, nó còn gây khó cho người đờn như: Mặt đờn nhỏ và quá cong nhiều khiến đôi tay khó thể hiện hết sự uyển chuyển trong nhấn nhá... Nhưng quan trọng hơn là do thiếu điểm cố định nên người đờn thường xuyên dừng cuộc chơi để lên dây theo từng bản. Từ đó ông nung nấu cải tiến. Trong một lần “khám phá” cây đàn Piano, ông đã bật ra ý tưởng. 

Tận dụng lợi thế thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông tham khảo nhiều nguồn tài liệu rồi tự bỏ tiền túi để thử nghiệm. Sau 4 năm ròng với động lực duy nhất là muốn có nhạc cụ diễn đạt tốt hơn nữa sự tinh tế và sâu sắc âm nhạc truyền thống Việt, năm 1955, nhạc sư cho ra đời cây đờn tranh 17 dây.

Không chỉ khác lạ ở chỗ thêm 1 dây (xàng) mà cách sắp xếp dây cũng biến tấu khác lạ theo khả năng thẩm âm riêng của ông. Mặt đờn lài hơn, kích thước thân và độ dày mỏng giữa đáy đàn và mặt đàn cũng có sự thay đổi. “Đáy đờn là bộ phận phản xạ âm thanh, nếu dày hơn mặt đờn sẽ cho ra âm thanh sáng chói và trong suốt. Nhưng đó không phải là mặt phẳng đồng dạng. Có khi phải cho mặt và đáy đờn dày ở giữa rồi mỏng ra 2 bìa, hoặc ngược lại...”  - nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ làm tôi choáng với kiến thức sóng âm, ông còn rành đặc tính gỗ - “Trước đây, đóng đờn bằng cây ngô đồng, cây tung, nhưng qua nghiên cứu, thấy gỗ Kiri của Nhật vừa có sớ vân rất đẹp, vừa có tính năng phát huy âm lượng nên thay đổi”.

Ông cũng thay thế chất liệu làm “con nhạn” (giữ dây đờn) từ ngà/xương động vật làm hãm thanh sang làm bằng danh mộc, vừa bền vừa có tác dụng tăng âm lượng. Mặt khác, việc cải tiến nhạn và trục vững vàng của ông còn giúp cho người đờn không cần phải lên dây lại khi chuyển từ bản này sang bản khác như cây đờn 16 dây... Những thay đổi này đã giúp cho đờn tranh 17 dây có âm lượng vang hơn, âm sắc mượt mà ngọt ngào và đa dạng hơn không chỉ với cây đàn “tiền thân”.

“Tôi chưa nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, vừa bay bướm vừa sâu sắc” (Cố  Giáo sư Trần Văn Khê  nhận xét trong một buổi giảng tại Hà Lan)

Ngày 5.12.2013, tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ lần 8 tại Baku (Cộng hòa Azerbaijan) UNESCO chính thức công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này cho thấy, thế giới rất hiểu và đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng Nam Bộ, mà nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những người bền bỉ đặt bệ phóng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn