MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những tấm thổ cẩm nối dài ba thế hệ

Phan Tuấn LDO | 23/01/2023 10:09
Bà H'Bạch, con gái H'Bình và cháu ngoại H'Nhàn, là ba thế hệ trong một gia đình ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã và đang gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Nhờ tính kế thừa, tiếp nối này nên gia đình bà H'Bạch đã giữ gìn và phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ba thế hệ trong gia đình bà H'Bạch ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia, tỉnh Đắk Nông đang ngày đêm miệt mài nối dại những sợi thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mạ. Ảnh: Phan Tuấn

Thổ cẩm trong đời sống người Mạ

Bà H’Bạch, ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia năm nay đã 73 tuổi. Theo bà H'Bạch là con gái Mạ thì phải biết dệt vải. Ngày xưa, từ lúc 10 tuổi bà H’Bạch đã học cách kéo sợi, lên rừng lấy lá cây, củ nghệ, cây tràm về nhuộm màu chỉ.

Ban ngày bà H'Bạch đi làm, tối về ngồi vào khung cửi để dệt thổ cẩm. Cứ thế hơn 60 năm qua, người phụ nữ này thành thục kỹ thuật dệt, trở thành một trong số nghệ nhân lão luyện đối với nghề dệt thổ cẩm ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tiếp nối truyền thống từ mẹ, ngay từ khi còn con gái, chưa lập gia đình, chị H'Bình đã được bà H’Bạch dạy nghề dệt và trao truyền tình yêu với khung cửi, sợi chỉ.

Theo bà H'Bạch, với đồng bào Mạ và các dân tộc bản địa khác, phụ nữ, con gái phải biết dệt vải. Ngày còn trẻ, dệt vải thổ cẩm để làm lễ vật cho việc hỏi chồng. Lập gia đình rồi thì dệt vải để may đồ, làm chăn đắp cho con cái, vợ chồng.

"Thổ cẩm là đồ dùng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân tộc Mạ. Thế nên, những đứa trẻ trong nhà đều được tôi truyền dạy từ sớm, đứa nào có đam mê thì sẽ gắn bó được với nghề” - bà H’Bạch tâm sự.

Trải qua thời gian, các thế hệ sau này của bà H'Bạch vẫn say sưa bên khung cửi để dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Phan Tuấn

Gìn giữ và phát huy truyền thống của người Mạ

Theo bà H'Bạch, việc truyền dạy dệt thổ cẩm không phải ngày một ngày hai là thành. Có những đứa trẻ, phải mất mấy năm cho đến lúc trưởng thành mới thành thạo với nghề.

Đơn cử như con gái của bà H'Bạch là chị H’Bình phải rất chịu khó mới học được nghề dệt thổ cẩm. Khi có tay nghề, đã 40 năm nay chị H'Bình vẫn miệt mài theo nghề dệt thổ cẩm.

"Cũng nhờ dệt thổ cẩm, H’Bình đã được ra nước ngoài, được biểu diễn cho khách quốc tế xem và bán được nhiều hàng hơn” - bà H’Bạch tự hào chia sẻ.

Theo chị H’Bình, khi xưa nhiều tấm thổ cẩm phải mất cả năm trời mới dệt xong. Những tấm vải được dệt bằng chất liệu tự nhiên với nhiều hoa văn độc đáo, có khi được định giá bằng cả một con trâu đực. Người Mạ gìn giữ, bảo quản chúng như những báu vật của gia đình.

"Ngày nay, tuy không ai đổi trâu, đổi bò lấy một tấm chăn thổ cẩm nhưng với đồng bào Mạ, thổ cẩm vẫn có ý nghĩa và vai trò to lớn trong đời sống của chúng tôi” - chị H’Bình khẳng định. 

Hiện nay, thổ cẩm của người dân tộc Mạ đã được các nhà thiết kế thời trang đưa vào trong nhiều bộ trang phục đẹp mắt, có giá trị thương mại. Ảnh: Phan Tuấn

Trong suy nghĩ của nhiều người, những tấm thổ cẩm, được dệt thủ công vẫn là những tấm vải có giá trị nhất, khó định giá nhất. Cũng bởi vậy, vẫn còn rất nhiều người tìm mua thổ cẩm được làm thủ công.  

Hiện nay, chị H'Bình là tổ trưởng tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Đắk Nia. Theo chị H'Bình, vài năm gần đây, thổ cẩm của người Mạ có nhiều cơ hội để "sống lại”.

Hiện nay, những hoa văn truyền thống của dân tộc, những màu sắc tự nhiên của núi rừng đã được các nhà thiết kế đưa vào trong các sản phẩm thời trang. Chính điều đó đã giúp nghề dệt của chị và nhiều phụ nữ khác trong xã phát triển, tạo thu nhập ổn định.

“Một tuần, mỗi người có thể dệt được một tấm thổ cẩm khá lớn với giá bán từ 1,5 - 3 triệu đồng. So với công việc nương rẫy, dệt thổ cẩm nhẹ nhàng và mang lại thu nhập cao hơn. Những người thợ dệt thổ cẩm như chúng tôi đã có hướng đi mới để phát triển kinh tế lâu dài” - chị H'Bình phấn khởi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn