MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những trăn trở đời sống trong sáng tạo mỹ thuật Việt

Việt Văn LDO | 02/12/2020 07:18
Khai mạc chiều 1.12, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) phối hợp với một số đơn vị, ban ngành có liên quan tổ chức, trưng bày những gần 500 tác phẩm xuất sắc ở nhiều thể loại từ hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác.
“Thầm thì” của Nguyễn Thị Hoàng Minh (tranh lụa) - giải nhì.
Nét mới

Khởi đầu là triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, đến năm 2015 được đổi tên là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Đây chính là sân chơi lớn có giá trị nhận diện, tổng kết quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam trong quá trình 5 năm (2016-2020) và góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận những tác phẩm có giá trị. Từ năm 2020 trở đi, triển lãm sẽ được tổ chức định kỳ 3 năm/lần.

Năm nay, cuộc thi và triển lãm mở rộng đối tượng tham dự, ngoài các họa sĩ trong nước còn mời các họa sĩ Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Với 3.571 tác phẩm của 1382 tác giả từ 58/63 tỉnh, thành phố gửi về sau 6 tháng phát động cuộc thi là một con số khá phấn khởi. Hội đồng nghệ thuật gồm nhiều chuyên gia nghệ thuật uy tín đã làm việc cẩn trọng để chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày và trao giải cho 29 tác phẩm xuất sắc nhất. Tiêu chí lựa chọn là những tác phẩm nghệ thuật có sự tìm tòi, sáng tạo về nội dung và hình thức thể hiện đồng thời phát hiện những tác giả mới để quan tâm, bồi dưỡng, phát triển. Hội đồng cũng quyết định không trao giải Nhất do chưa thực sự tìm thấy một tác phẩm đỉnh cao đúng nghĩa và trao 6 giải nhì, 11 giải ba, 12 giải khuyến khích.

Ấn tượng

Nét mới cũng là sự thú vị của triển lãm chính là sơn mài - thương hiệu mỹ thuật Việt có nhiều tác phẩm xuất sắc. Không chỉ bó hẹp trong các đề tài truyền thống đôi khi thành lối mòn như cảnh đồng quê (cây đa, con đò, sông nước), áo dài, thôn nữ, hoa sen… một số tác phẩm sơn mài đã bứt phá đi vào những đề tài đương đại mới mẻ. “Bụi 57” của Nguyễn Xuân Lục (100cmx160cm), giải thưởng đồng hạng, ấn tượng ở đường nét và bố cục là một tác phẩm trừu tượng gợi nhiều liên tưởng.

Có nhiều tác phẩm sơn mài khác thu hút người xem với bảng màu và cách xử lý sáng tạo trong “Mùa xuân Tây Bắc” của Nghĩa Phạm (khổ 120x90cm). Trong số các giải nhì có “Đánh cắp giấc mơ “ của Nguyễn Khắc Hân (khắc gỗ), “An phận 2” - Hà Phước Duy (sơn dầu), “Thầm thì” - Nguyễn Thị Hoàng Minh (lụa)… đều là những tác phẩm tạo hình mạnh mẽ, gài gắm nhiều ẩn ý và cho thấy những trăn trở của tác giả với những vấn đề của cuộc sống đương đại. Một số tác phẩm giải ba là những lời cảnh báo về môi trường như “Sống” - Hồ Văn Hưng (Màu nước) và “Khát” - Nguyễn Tuấn Dũng (Acrylic)

Cách thể hiện đương đại xuất hiện ở một số tác phẩm chất liệu tổng hợp. Cái dáng đi khá hùng dũng của cậu bé đánh giày trong “Nhịp sống 1” của Huỳnh Công Nam vừa ngộ nghĩnh, vừa gợi lên câu hỏi về hành trình mưu sinh của nhân vật...

Thiếu không gian trưng bày và những cái tên

Một số họa sĩ trẻ bán tranh khá chạy trên thị trường cũng hiện diện trong triển lãm lần này như Nguyễn Minh (phố) với những khối lập phương trong “Bóng di sản 6” là sự trăn trở, day dứt trong việc níu giữ cái hồn của phố. Lê Thế Anh với “Điểm tựa” với ý tưởng: Gia đình hạnh phúc chính là điểm tựa cho người lính hải quân…

Tuy nhiên, một số họa sĩ đang ở độ sung sức trong sáng tạo lại không tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tiêu biểu như Bùi Thanh Tâm - một cái tên hàng đầu trên thị trường mỹ thuật hiện nay, vừa tạo ra một “cú sốc” thị giác cho người xem qua triển lãm “Không có gì ở phía sau”.

Một vấn đề khá nan giải kéo dài nhiều năm cho triển lãm mỹ thuật Việt Nam chính là địa điểm trưng bày. Với một số lượng tác phẩm lớn (gần 500) và rất nhiều tranh khổ lớn từ 1,2m, 1,6m trở lên đến trên 2m thì rõ ràng diện tích nhiều phòng triển lãm ở Hà Nội không đáp ứng được. Vì thế, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam là một trong số rất ít địa điểm trả lời được bài toán về không gian trưng bày.

Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị (từ ánh sáng đến nội thất…) của trung tâm lại chưa đạt chuẩn cho một triển lãm lớn và mang tính thẩm mỹ cao vì thế việc trưng bày, sắp đặt chưa tạo ra được những khoảng thở rộng, cần thiết để người xem thưởng ngoạn mỗi tác phẩm trong những góc riêng. Và công tác bảo quản tác phẩm cũng cần lưu ý chuyên nghiệp, cẩn trọng hơn khi một số tác phẩm bị xước, trong đó có hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy rút tranh về không dự triển lãm do tranh bị vết xước sâu.

Sau khi kết thúc triển lãm vào ngày 10.12.2020, các tác phẩm sẽ “du Nam” vào triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (79A, Phó Đức Chính, quận 1) từ 22.12 đến 29.12.2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn