MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ những người có tính kiên trì, chịu được vất vả mới có thể bám trụ với nghề. Ảnh: Quy Sa

Nỗ lực giữ nét văn hóa làm gốm truyền thống hơn 40 năm ở TP Hồ Chí Minh

NGỌC DỦ - QUY SA LDO | 05/12/2023 10:30

Trải qua nhiều sự biến đổi của xã hội, các làng nghề thủ công đang dần biến mất. Lò gốm Hưng Lợi của ông Năm Tiếp là nơi hiếm hoi ở TPHCM vẫn trụ vững dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Nghề làm gốm ở TPHCM từng một thời là nguồn thu nhập chính của không ít hộ gia đình. Trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, lò đất cũng từ đó mà ít được người dân sử dụng.

Nhu cầu giảm nên giờ đây ở đất TPHCM chỉ còn hiếm hoi mỗi cơ sở Hưng Lợi (Phường 16, Quận 8, TPHCM) của ông Trần Văn Tiếp (thường gọi là Năm Tiếp) còn hoạt động. Cơ sở của ông Năm Tiếp hoạt động đến nay đã hơn 40 năm. Chia sẻ với chúng tôi ông cho biết, đã đi theo nghề từ năm 10 tuổi. Khi trưởng thành được gia đình để lại mảnh đất 2.000m2, ông liền quyết tâm gây dựng lò gốm của riêng mình.

Hiện nay, lò gốm gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề đất đai, công nhân đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Bà Hạnh (vợ ông Năm Tiếp) cho biết: “Dù cơ sở không bán được sản phẩm nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất để thợ có công việc kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống”.

Khi được hỏi về việc có cách nào truyền lại nghề truyền thống này cho thế hệ sau không, bà Hạnh chỉ biết lắc đầu nói rằng, “không truyền được”. Dù đã từng cố gắng chỉ dạy nhưng lại không đi đến đâu, bởi đa số người trẻ sẽ không thích đi theo cái nghiệp phải suốt ngày “lấm lem bùn đất” lao động chân tay cực nhọc.

Lớn lên ở làng nghề cả đời gắn bó với nghề

Dù đối mặt với nhiều khó khăn là thế nhưng những thợ gốm tại lò gốm Hưng Lợi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ nghề.

Chia sẻ về lý do đi theo nghề gốm hơn 40 năm ông Tiếp cho biết, do tiếp xúc với làm gốm từ nhỏ nên cũng đam mê và yêu thích từ đó. Nghề này cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân - những người đã đồng hành với ông qua bao thăng trầm.

Trước khi đến tay người dùng, mỗi chiếc lò phải trải qua hơn 20 công đoạn từ nhào đất, tạo hình lò, nung... Vất vả là thế nhưng nguồn thu nhập lại không cao chỉ đủ để người thợ có thể trang trải cuộc sống. Nhưng vì yêu nghề nên dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thì họ vẫn cố bám trụ cống hiến hết mình vì cái nghiệp này.

Ông Lê Tư (50 tuổi, sống tại TPHCM và đang làm việc tại lò Hưng Lợi) cho biết: “Thời xưa xung quanh đây nhà nào cũng làm gốm nên khi nghỉ học năm 11 tuổi, tôi đã xin vào cơ sở học nghề và gắn bó đến tận bây giờ”.

Chính ngọn lửa yêu nghề của những người thợ nơi đây đã giúp cho cơ sở của ông Tiếp vẫn có thể trụ vững đến nay dù trải qua bao gian nan, thử thách.

Sau bao nhiêu năm chèo chống để bám trụ với nghề, điều mà chủ cơ sở Hưng Lợi của ông Năm Tiếp mong mỏi nhất là có thể còn đủ sức gắn bó với làm gốm. Để cái nghề truyền thống mà cha ông đã để lại không bị mất đi trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn