MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, không còn hoạt động trong nhiều năm qua. Ảnh: Vương Trần

Nỗi đau của Hãng phim truyện Việt Nam sau nhiều năm kêu cứu

VIỆT VĂN LDO | 16/03/2023 15:30

Nhiều nghệ sĩ gạo cội buồn bã, bức xúc khi Hãng Phim truyện Việt Nam gần như bị bỏ rơi kể từ sau khi thực hiện cổ phần hoá năm 2016.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh Việt Nam (1953 - 2023) NSND, diễn viên Trà Giang lên sân khấu, kể lại kỷ niệm với Bác Hồ cùng câu nói đầy ý nghĩa của Bác: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" mà bà nhớ mãi.

Bà bật khóc và bày tỏ nỗi xót xa khi chứng kiến “cảnh hoang tàn, đổ nát, không thể tưởng tượng nổi” của Hãng phim truyện Việt Nam hôm nay khi bà mới đến thăm.

Hãng phim một thời là “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh nước nhà với hàng trăm con người cùng tham gia sản xuất, làm phim.

NSND Trà Giang thiết tha mong muốn lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa với ngành điện ảnh, nhất là những vụ việc cụ thể, trước mắt là cứu lấy Hãng phim.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: "Đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam - tại đơn vị từng được coi như “cánh chim đầu đàn” của ngành điện ảnh.

Tới hôm nay, số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không hề có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp...

Do đó, toàn ngành điện ảnh cùng khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại Hãng phim truyện Việt Nam".

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh:  "Muốn có một tác phẩm điện ảnh tốt dù là phim giải trí hay nghệ thuật cao siêu cũng cần phải có tiền đầu tư đúng nghĩa, thậm chí là đầu tư tốn kém.

Nghị Quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị đã từng chỉ rõ "sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức".

Do đó, nếu cắt giảm một cách cơ học, đầu tư nhỏ giọt từ Nhà nước một cách thiếu trọng điểm chiến lược cho điện ảnh sẽ làm cho hoạt động toàn ngành không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Để điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần có sự đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim, tạo nên dòng chảy phong phú cho điện ảnh.

Để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực, điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn và trả lời câu hỏi: Làm gì và làm sao để có tác phẩm đạt giá trị cao?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn