MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa về tác phẩm Vợ nhặt. Ảnh: NXB Hội nhà văn

Nỗi khổ của “Vợ nhặt” ở kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hào Hoa LDO | 30/06/2023 11:47

Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân bỗng đứng trong tâm bão tranh cãi suốt những ngày qua do liên quan đến đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT. Vì sao “Vợ nhặt” phải gánh vác “nỗi khổ” này?

Đề thi gây tranh cãi

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp hệ THPT có câu 5 điểm với yêu cầu, thí sinh phân tích đoạn trích cuối cùng trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, từ đó cho thấy góc nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân.

Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều thí sinh nhận định, cách chọn trích đoạn cuối cùng trong tác phẩm “Vợ nhặt” ở đề thi năm nay khiến họ bất ngờ.

Thông thường, khi ra đề về “Vợ nhặt”, thầy cô sẽ yêu cầu phân tích nhân vật hoặc sử dụng trích đoạn “buổi sáng hôm sau” khi Tràng tỉnh dậy và nhận ra mình đã nhặt được vợ, cảm xúc của anh thay đổi như thế nào...

Lần này, đề thi tốt nghiệp THPT đã chọn đoạn trích cuối cùng, khi Tràng cùng mẹ và vợ dùng bữa cùng nhau, nghe tiếng trống thúc thuế, giữa những câu chuyện của vợ, Tràng nhớ lại hình ảnh những người đói chạy trên đê cùng với lá cờ đỏ sao vàng.

Đoạn kết được đánh giá mở ra tương lai tươi sáng cho những người dân nghèo đói trong giai đoạn cùng cực của nạn đói năm 1945.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng với tên gọi “Việt Minh” xuất hiện cuối tác phẩm “Vợ nhặt” là niềm tin, hy vọng của những người như Tràng, như mẹ và vợ anh, đang phải sống lay lắt trong nạn đói.

Tuy nhiên, ngay khi kết thúc phần thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội là cuộc tranh cãi nảy lửa về sự cũ kỹ, xáo mòn, thậm chí nhiều người dùng từ “tăm tối” để chỉ trích cách đưa tác phẩm “Vợ nhặt” vào đề thi năm nay.

Phần thi 5 điểm về tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Chụp màn hình

Số đông cho rằng, đã nhiều năm trôi qua, nhưng cách ra đề văn vẫn quá cũ, cách dạy văn cũ kỹ, sách giáo khoa không đổi mới, quanh đi quẩn lại chỉ xoay quanh một vài tác phẩm văn học giai đoạn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ... Đến nỗi, đề thi Ngữ văn đã trở nên quá dễ đoán, ai cũng có thể đoán trúng, ngay cả các ca sĩ.

Bối cảnh quá cũ?

Truyện ngắn “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí” của nhà văn Kim Lân. Đây được xem là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân.

Tác phẩm lấy bối cảnh nạn đói năm 1945, khi Nhật yêu cầu bỏ lúa trồng đay, đồng thời tiến hành đánh thuế cao, thu gom thóc phục vụ cho lính Nhật – thời điểm ấy cũng đang theo đuổi Thế chiến II.

Chính bối cảnh về nạn đói năm 1945 đã khiến “Vợ nhặt” bị cho là quá cũ khi “lạc” vào đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT cho thế hệ học sinh sinh năm 2005.

Đã 60 năm trôi qua, số đông ý kiến phản đối đề thi Ngữ văn đều cho rằng, không thể yêu cầu thí sinh sinh năm 2005 viết về góc nhìn của tác giả những năm 1945.

Kéo theo những tranh cãi bất tận là việc dạy văn, học văn đang bị lỗi thời, xáo mòn. Ngay từ cấp tiểu học, những bài văn mẫu ra đời đã giết chết sự sáng tạo của học sinh. Tất cả những bà mẹ, cô giáo... bước ra từ văn miêu tả của học sinh tiểu học đều giống nhau, đều sở hữu làn da trắng, mũi dọc dừa, môi đỏ.

Số đông đặt vấn đề, tại sao không đưa thêm các tác phẩm văn học thời cận đại, hiện đại vào sách giáo khoa, từ đó đổi mới cách ra đề về môn Ngữ văn ở các kỳ thi.

Tranh minh họa về tác phẩm Vợ nhặt. Ảnh: NXB Hội nhà văn

Giữa những tranh cãi bùng nổ, “Vợ nhặt” bỗng bị đưa vào giữa tâm bão, trở thành chủ thể bị mổ xẻ. Ngay cả đoạn trích trong đề văn cũng trở thành chủ đề bị phân tích, chứng minh về sự cũ kỹ.

Sự bức xúc theo số đông được nhân rộng, trở thành làn sóng giận dữ mới. Khiến số đông quên rằng, “Vợ nhặt” không có lỗi, và việc đưa “Vợ nhặt” vào đề Ngữ văn cũng không có lỗi.

“Vợ nhặt” là tác phẩm văn học tiêu biểu của giai đoạn 1945. Là tác phẩm lấy bối cảnh về giai đoạn lịch sử thảm khốc bậc nhất của dân tộc. Lịch sử ấy được viết lại, được lưu truyền lại, được nhắc nhớ lại, cũng là điều cần thiết, dù với bất kỳ thế hệ học sinh nào.

Đoạn trích được đưa vào đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay cũng là đoạn trích tươi sáng nhất trong tác phẩm “Vợ nhặt”. Cụm từ Việt Minh và lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là hình ảnh tươi sáng của tác phẩm, còn là niềm tin, là sự tươi sáng của cả một giai đoạn lịch sử.

Câu chuyện cũ, tác phẩm cũ vẫn có thể được lật lại, được nhìn lại, dưới những góc nhìn mới, cùng cách tiếp cận mới.

“Vợ nhặt”, hay “Vợ chồng A Phủ”, “Đất nước”... không có lỗi khi nằm trên những đề thi Ngữ văn tốt nghiệp, lỗi chỉ nằm trong cách ra đề, làm thế nào để khơi gợi được những góc nhìn mới, những cảm xúc mới từ những câu chuyện cũ, tác phẩm cũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn