MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây mai cành vàng lá ngọc. Ảnh: Hoàng Công Danh

Nơi phát tích giống mai xuân “cành vàng lá ngọc”

HOÀNG CÔNG DANH LDO | 13/02/2024 11:20

Hoa mai miền Trung chỉ nở vào dịp Tết được dân chơi cây gọi là "mai xuân" để phân biệt với các loại mai tứ quý (nở bất thường vào các tháng trong năm). Ngay trong giống mai miền Trung ấy thỉnh thoảng, hy hữu lại có vài giống mai độc lạ. Chẳng hạn gần đây dân chơi cây tìm ra giống mai "cành vàng lá ngọc", bất ngờ hơn, nó lại có nguồn gốc từ Quảng Trị.

Không chỉ là một thành ngữ!

Nhắc đến cụm từ "cành vàng lá ngọc", người ta nghĩ ngay đến sự mĩ miều ẩn dụ những thứ quý giá được nâng niu. Thế nên khi cái tên hoa mai "cành vàng lá ngọc" xuất hiện, đã có một vài hiểu nhầm nhất định.

Có người tưởng nó xuất xứ từ Huế (?). Ở Đại nội Huế có tủ kính, bên trong trưng bày một cây mai tác phẩm thủ công cắm trong chậu pháp lam. Thân cây bằng gỗ mạ vàng, hoa năm cánh đúng kiểu hoa mai nhưng màu trắng và làm bằng đá, lá cây cũng từ đá màu xanh. Cây đấy là đồ lưu niệm, bảo vật cung đình, có tên gọi cành vàng lá ngọc. Còn cây mai "cành vàng lá ngọc" đúng nghĩa thực vật thì khác. Nó là cây mai đột biến, lá non vàng, đài hoa cũng vàng, cánh hoa thì tất nhiên vàng đầy năm cánh khít. Vào mùa xuân, cả cây rực vàng rất đẹp.

Hoa mai miền Trung năm cánh, đọt xanh đã khiến giới chơi cây khắp nơi đánh giá chuẩn mai vàng xứ Việt, thì cái giống mai vàng cả hoa lẫn lá này như một phát hiện làm tôn thêm vẻ đẹp của mai, làm phong phú thêm nét đa dạng của loài hoa mùa xuân. Nó cũng là một đặc ân của thiên thiên ban cho xứ sở khắc nghiệt. Bây giờ trong Nam ngoài Bắc đều mê mẩn giống mai này, và công nhận nó xuất phát từ Quảng Trị.

Truy nguyên mai "cành vàng lá ngọc"

Để xác tín nguồn gốc, tôi đã đi tìm. Cây mai cành vàng lá ngọc được phát hiện đầu tiên như thế nào, hẳn nhiều người tò mò muốn biết, kể cả giới chơi mai. Tôi đã kết nối với anh em trong hội mai vàng Quảng Trị, song phải mất một năm trời làm quen, xác minh thông tin, cuối cùng tôi đã tìm về được nơi xuất phát cây mai độc đáo.

Chỉ cách quốc lộ 1A hai cây số, nhưng đường lên làng Tân Phổ, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngoằn ngoèo. Tôi tìm đến một ngôi nhà cấp bốn nhỏ giữa vườn đất thoáng. Ông Nguyễn Văn Định chủ nhà, chừng bảy mươi tuổi, đang ngồi nơi bàn gỗ căn giữa ngó ra sân, thấy có người đi vào cũng bình thản. Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về cây mai lạ thì ông trĩu mắt xuống không nói gì. Mãi lâu sau, ông mới chỉ tay ra trước sân, chỗ cái giếng cũ đã lên rêu. Ông bắt đầu kể.

Khi xưa cụ thân sinh của ông không biết lấy giống đâu về, đem trồng bên cạnh giếng. Đến lúc ông lớn lên thì đã thấy cây mai tán xòe to đều bốn phía. Hằng năm cứ đến mùa trẩy lộc, đọt non phun ra màu vàng chứ không phải xanh, rồi đến kết hoa thì đài cũng vàng nốt.

Nhân bản giống quý

Năm 2007, một người ở Đông Hà là anh Ngoãn (chủ quán cà phê Phố Đêm) vào hỏi mua cây mai lá vàng ở nhà ông Nguyễn Văn Định với giá 7 triệu đồng. Ở thời điểm ấy, đó là một con số không hề nhỏ.

Chúng tôi ghé quán cà phê Phố Đêm, dạo quanh vườn cây và ngắm những gốc mai vào loại khủng nhất Quảng Trị để tìm hiểu tiếp hành trình của cây mai. Anh Ngoãn cho biết, để mua được cây mai đó cũng phải chạy đi chạy lại nhiều lần, phải làm quen kết thân.

Anh thuê ba người thợ từ Huế ra để cùng đào cây. Lúc bấy giờ chưa mấy ai dám nghĩ đến chuyện bứng những cây mai to, nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm cây rất dễ chết. 4 người đào từ tờ mờ sáng đến chạng vạng mới đưa được cây lên vì dưới gốc toàn đá, bên cạnh lại có một cái giếng. Tuồng như rễ cây bám vào đá mà sống. Và chính ông Định, chủ của cây mai vẫn nghĩ cái màu sắc độc đáo của cây là do nó sống giữa đá và mạch nước chứ không phải do đột biến gen.

Anh Ngoãn đưa cây gốc này về chơi một thời gian rồi chuyển giao cho người khác trong tỉnh. Khoảng năm 2015 giới chơi cây bắt đầu xưng ngôi hoàng hậu cho mai cành vàng lá ngọc, vì tính ra tới thời điểm đó nó là cây duy nhất. Nhiều người thấy lạ xin hạt về ươm nhưng lên toàn cây lá xanh, may mắn có được dăm ba cây đọt vàng thì sống èo uột.

Đến năm 2017, khi cây mai cành vàng lá ngọc bị suy nặng, dấu hiệu sắp chết, thì chuyện ghép mai càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Anh Hiền ở vườn mai Bảo tàng Quảng Trị kể rằng, anh là một trong những người đầu tiên ở Quảng Trị ghép thành công cây mai, mà lại đúng cái giống cây gốc cành vàng lá ngọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn