MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Khải Hưng. Ảnh: Tuấn Anh

NSND Khải Hưng: Phim Tết đã mất dần những hương vị Tết

hiền hương (thực hiện) LDO | 04/02/2024 06:44

Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước đến đầu những năm 2000, Tết là dịp để cả phim chiếu rạp (phim điện ảnh) và phim truyền hình chạy đua sản xuất. Thời ấy, phim Tết thường sẽ lấy đề tài liên quan đến Tết, gửi gắm thông điệp đoàn viên, sum vầy, hướng đến không khí đón năm mới với những phong tục truyền thống của dân tộc. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSND Khải Hưng - ông từng tham gia sản xuất nhiều phim Tết những năm cuối thập niên 1990 - về sự dịch chuyển, thay đổi của Tết từ trên phim đến đời thực.

Màn ảnh truyền hình thời điểm cuối những năm 1990 từng cho ra mắt những phim Tết. Những bộ phim lấy đề tài về Tết thường nhẹ nhàng, hài hước, gần gũi. Bối cảnh phim bao giờ cũng sẽ có thấp thoáng vườn đào, hoa mai, cùng các đạo cụ mang tính biểu tượng về Tết như bánh chưng, mứt kẹo...

Nhưng tất cả đã thay đổi với rất nhiều biến động từ thời cuộc.

Ông từng tham gia sản xuất nhiều phim Tết, kể từ thập niên 1990 đến gần nhất những năm 2019, ông có đạo diễn nhiều phim Tết như: “Hiệp sĩ làng”, “Cưới đi kẻo ế”... Thay đổi lớn nhất của phim Tết theo thời gian là gì, theo ông?

- Cách đây chừng 25 năm, tôi và Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) vẫn được giao sản xuất phim Tết để phát sóng đúng vào đêm giao thừa.

Thời ấy, năm nào chúng tôi cũng có một phim cứ đến giao thừa là lên sóng như một thói quen. Tôi làm đạo diễn khoảng 10 phim Tết.

Phim chiếu vào giao thừa thường sẽ hướng tới thông điệp nhẹ nhàng, nhân ái, sum vầy, ấm cúng. Trong phim sẽ nhắc nhiều đến phong tục, tập quán đón Tết của người Việt, ví dụ như đi chợ hoa mùa đào quất, chiều 30 tổ chức làm mâm cơm cúng tổ tiên, không khí đón giao thừa...

Sau này, phim Tết chiếu giao thừa đổi thành chương trình “Táo Quân”.

Tôi nghĩ, nếu quay phim Tết lấy chủ đề về Tết ở thời điểm hiện tại sẽ khá khó, bởi hương vị Tết, không khí Tết đã thay đổi rất nhiều.

Bây giờ, sản xuất phim Tết cũng đã khác hẳn, không còn là những bộ phim có chủ đề về Tết hay liên quan đến Tết nữa, mà chỉ là những phim (đề tài đa dạng, phong phú) phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả vào dịp Tết.

Tức là, phim Tết không còn mang hương vị Tết. Các tác phẩm ra rạp dịp Tết là những phim có đề tài đời sống, gia đình, ví dụ như “Nhà bà Nữ”.

Nếu bây giờ làm phim về đề tài Tết, có lẽ sẽ thất bại, chẳng ai xem. Để có doanh thu cao, phim Tết cần có đề tài đắt, câu chuyện hay, mới thu hút được khán giả đến rạp.

Tết tôi cũng lặng lẽ đến rạp xem phim khi có thời gian.

NSND Khải Hưng chụp ảnh cùng êkíp thực hiện “Táo Quân”. Ông được mệnh danh là “cha đẻ” của “Táo Quân”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông, hương vị Tết mai một trên phim Tết, vì sao?

- Vì hương vị Tết đã mai một từ đời sống. Đó là biến đổi của thời đại, là khoảng cách thế hệ, là sự khác biệt theo chuyển động của thời gian.

Cứ nhìn thế hệ trẻ bây giờ, họ không còn háo hức đón Tết như thời đại của chúng tôi ngày xưa. Cảm giác, ngày càng ít đi ý thức và ý niệm về Tết.

Thời xưa, sự mong ngóng, chờ đợi về Tết rất rõ nét. Nhà nhà người người đều đợi Tết. Mong đến Tết để được thưởng thức những món ăn ngon, mong đến Tết để được diện áo mới, mong đến Tết để được hưởng không khí của đêm giao thừa, sáng mùng 1 Tết.

Năm nay, người ta nói với nhau, do suy thoái kinh tế nên không khí Tết nhạt hẳn. Tôi không nghĩ thế, dù có suy thoái kinh tế, đời sống chúng ta vẫn quá sung sướng, đủ đầy so với thời bao cấp.

Bây giờ, có lẽ chỉ còn các cụ già mong đến Tết.

Vậy suy đến cho cùng, Tết ngày càng bị mất đi hương vị đặc trưng vì cuộc sống no đủ quanh năm hay vì sự khác biệt trong cách đón Tết của từng thế hệ, theo ông?

- Vì cả hai. Trước đây, phải đợi đến Tết mới được ăn thịt gà, bánh chưng, giò lụa. Bây giờ, những món ăn ngon, những món mang đặc trưng hương vị Tết - chúng ta có thể ăn quanh năm.
Khoảng cách và sự khác biệt giữa các thế hệ cũng ngày càng lớn. Ông bà nghĩ về Tết khác, con cháu nghĩ khác. Giới trẻ bây giờ cứ đến Tết là lên đường đi du lịch, không còn nặng về lễ nghĩa và các thủ tục truyền thống.

Như tôi đã nói, có lẽ chỉ các cụ già còn đợi Tết, bởi những ngày ấy con cháu đi lao động ở các thành phố lớn mới trở về. Họ đợi Tết, có nghĩa là đợi con cháu về nhà, mong được gặp con cháu là chính.

Tết sẽ gói gọn trong những ngày sum họp, rồi lại tất bật chuẩn bị cho con cháu đồ đạc, thức ăn để quay lại thành phố, tránh những ngày ùn tắc giao thông.

Khoảng cách, sự khác biệt giữa các thế hệ được bàn đến nhiều trong năm 2023. Khi sự khác biệt quá lớn đã dẫn đến những đứt gãy trong giá trị đạo đức. Những giá trị được thế hệ trước tôn vinh, trân trọng, giờ đây đã bị giới trẻ xem nhẹ, thậm chí phá bỏ. Suy nghĩ của ông về việc này? Liệu có ngày, giới trẻ sẽ thiết lập lại những giá trị hoàn toàn đối lập, khác biệt với những giá trị đạo đức mà ông bà, cha mẹ từng trân quý, vun đắp?

- Tôi hiện tham gia giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đôi khi, tôi vẫn nghĩ, dường như tôi không thể dạy học được nữa. Bởi, Gen Z bây giờ, suy nghĩ khác xa Gen X, Gen Y. Những giá trị, ý nghĩ, quan điểm sống... giữa các thế hệ không còn gặp nhau.

Những gì thế hệ tôi cho là đúng, đơn cử như một câu viết đúng ngữ pháp phải có đủ chủ ngữ, vị ngữ... Thì giờ đây, thế hệ trẻ muốn phá vỡ, muốn loại bỏ mọi quy tắc.

Sự xung đột về Gen (Gen: Thế hệ) đang diễn ra mạnh mẽ. Những giá trị từng đúng, bây giờ có thể đã sai. Thế hệ X, Y trân trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”, bây giờ giới trẻ không còn coi trọng. Sự xung đột này sẽ còn tiếp biến, còn dữ dội, dưới nhiều hình thức, nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực. Khoảng cách giữa các thế hệ sẽ ngày càng lớn.

Cảnh kết phim “Ngôi nhà cổ tích“.

Theo ông, lý do lớn nhất dẫn đến sự xung đột giữa các thế hệ là từ đâu?

- Tôi cho rằng, Internet là kết quả của nền văn minh công nghiệp hiện đại, nhưng cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến xung đột thế hệ. Internet phát triển mang đến quá nhiều thông tin, tạo nên sự giao thoa quá lớn giữa các nền văn hóa, khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống bị lung lay, mai một.

Có những xung đột thế hệ đã vượt qua những giới hạn đạo đức, phá vỡ mọi quy tắc, và sẽ không thể dừng lại được. Chúng ta phải chấp nhận.

Nếu không có sự bùng nổ của Internet, có thể chúng ta vẫn yêu Tết, vẫn đợi Tết, vẫn mong được sum vầy, chứ không phải đợi đến Tết để tách rời nhau.

Cảnh trong phim “Vị khách lúc giao thừa“.

Ông có tiếc Tết, tiếc cách đón Tết mà thế hệ ông đã từng?

- Tôi không còn tiếc từ cách đây nhiều năm. Có lẽ, chính tôi cũng bị ảnh hưởng bởi Internet, thấy Tết chẳng còn nghĩa lý gì.

Khi bố mẹ tôi còn sống, chúng tôi đến thăm ông bà chiều 30 Tết. Sáng mùng 1, sẽ đến chúc Tết, và còn cả tục xông nhà.

Khi bố mẹ tôi mất đi, mọi thứ trở nên vô nghĩa, chẳng còn gì. Con cái tôi, sẽ đến thăm chúng tôi vào chiều 30 Tết. Mùng 1, chúng đi du lịch.

Năm nay, có thể, tôi cũng sẽ đi du lịch. Tết bây giờ là vậy!

Với nhiều người lên thành phố làm việc, nếu không có bố mẹ ở quê, cần gì Tết. Họ sẽ đi chơi, đi du lịch, bởi khi đó, Tết chỉ là chuỗi ngày nghỉ.

Tết chỉ còn nằm trong tinh thần, tiềm thức, chứ chẳng còn gì để thèm Tết. Giờ người ta còn sợ ăn, sợ bánh mứt kẹo, thịt thà, vì tăng cân, tiểu đường.

Tết đến nhanh và đi cũng rất nhanh. Cảm giác chỉ qua mùng 1 là hết Tết. Cuộc sống biến động kéo theo những đổi thay tất yếu, không thể cứu vãn được.

Rồi đây, Tết có thể sẽ được chuyển qua Tết dương lịch, co cụm trong vài ngày nghỉ. Tôi nghĩ đến một giả thiết như thế, bởi người ta cũng đã bàn luận nhiều.

Xa xôi hơn, nếu như những người xa quê không muốn về quê nữa, nếu như những ông bà ở nông thôn lên thành phố sống, nếu tốc độ đô thị hóa còn nhanh và mạnh mẽ như bây giờ... Tết sẽ còn phai nhạt đi nhiều nữa.

Đó sẽ chỉ còn là ngày để đón năm mới. Hết!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn