MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Ngọc Mai

Nữ nghệ nhân 50 năm gìn giữ tranh Đông Hồ

Khánh Linh - Ngọc Mai LDO | 23/05/2023 14:50

Bắc Ninh - Bén duyên với tranh Đông Hồ đã hơn 50 năm, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh luôn tận tâm, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới để phát triển dòng tranh dân gian của dân tộc.

Từ bao đời, tranh Đông Hồ (làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã in sâu trong tiềm thức người dân Việt Nam như một nét đẹp văn hóa dân tộc.

Mặc dù ngày nay, mảnh đất Kinh Bắc đã phát triển hiện đại hơn nhưng giá trị của tranh Đông Hồ vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Nghề vẫn được lưu truyền là sự đóng góp to lớn của nhiều nghệ nhân yêu và gìn giữ nét xưa, trong đó có nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - nữ nghệ nhân đầu tiên của làng nghề.

Nói về cơ duyên gắn bó với nghề tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc, lại xuất thân từ gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Đăng, có mẹ làm tranh Đông Hồ, nên lòng yêu nghề và khát khao phát triển nghề được nuôi dưỡng trong tôi từ tấm bé.

 Những tác phẩm tranh Đông Hồ tại gia đình bà Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Ngọc Mai

Khi về nhà chồng, tôi lại là con dâu trưởng của nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Hữu Sam – nghệ sĩ ưu tú đầu tiên của làng tranh Đông Hồ. Đây là nền tảng vững chắc để tôi gắn bó với nghề và từ đó tiếp nối truyền thống của gia đình".

Theo nữ nghệ nhân, tình yêu với tranh dân gian bắt nguồn từ việc bà cảm nhận rõ nét sự gần gũi của những hình ảnh trong sáng tác tranh. Để làm ra một bức tranh dân gian Đông Hồ người nghệ nhân cần cẩn trong, tỉ mỉ trong từng giai đoạn làm tranh.

"Điểm đặc biệt của dòng tranh Đông Hồ là tất cả các nguyên liệu đều hoàn toàn bằng cỏ cây hoa lá của thiên nhiên, như màu vàng là từ hoa hòe, màu trắng là từ mai con điệp ở biển.

Đây được gọi là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và các chất liệu vừa dân gian truyền thống nhưng lại có mùi thơm thảo độc đáo, trở thành một loại tranh hết sức tiêu biểu trong tranh dân gian Việt Nam" - nữ nghệ nhân tâm sự. 

Cũng theo bà Oanh, tranh Đông Hồ có tranh vẽ theo mẫu của cha ông để lại, nhưng cũng có những sản phẩm độc đáo là sáng tạo riêng của các nghệ nhân. Hiện bà đã sáng tạo được hơn 40 chủ đề về tranh Đông Hồ để phù hợp với xu hướng hiện đại. 

 Hiện bà Oanh đã sáng tạo được hơn 40 chủ đề về tranh Đông Hồ. Ảnh: Ngọc Mai

Không chỉ sáng tác, bà Oanh còn tích cực tham gia một số hoạt động triển lãm tranh mang tầm quốc gia và quốc tế và đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen và giấy khen.

"Tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các bạn học sinh, sinh viên có niềm đam mê với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Để thế hệ tương lai có sự nhiệt huyết trong sáng tạo, phát triển và gìn giữ truyền thống của cha ông" - bà Oanh nói thêm. 

Được biết, hiện, anh Nguyễn Hữu Tảo, con trai của bà Oanh cũng đã và đang hằng ngày học hỏi, tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. 

Tình yêu với tranh dân gian Đông Hồ của bà Oanh là nguồn cảm hứng vô tận để bà truyền lại, hướng nghiệp cho con cháu mình tiếp nối nghề truyền thống. Tiếp tục viết dài những dấu ấn về dòng họ Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng.

 Hơn 50 năm nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn miệt mài bảo tồn, gìn giữ tranh Đông Hồ. Ảnh: Ngọc Mai

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nho Thuận - Nhà nghiên cứu di sản văn hóa văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Làng nghề tranh Đông Hồ hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc quảng bá để làng nghề được phát triển.

Những nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân nữ như bà Oanh đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống độc đáo này". 

Cũng theo ông Thuận, tranh Đông Hồ đang đứng trước những vận hội mới. Hy vọng rằng với tâm huyết của những nghệ nhân như bà Oanh sẽ ngày càng góp phần giới thiệu một cách đầy đủ và rộng rãi hơn những giá trị truyền thống của dòng tranh này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn