MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Thơ trong báo

Nguyên Linh LDO | 20/06/2018 17:38

Nửa thế kỷ gắn liền với nghề báo và quản lý báo chí – văn học nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh gây bất ngờ với công chúng khi “rẽ ngang” làm một thi sĩ. Từ năm 2010 đến nay, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (với bút danh Hồng Vinh) đã xuất bản liền 6 tập thơ, mới nhất là cuốn “Thơ và dấu Dấu cuộc đời” ra mắt tháng 6.2018 nhân một dịp đặc biệt, kỉ niệm tròn 50 năm ông bén duyên với nghề báo. 

Ông từng giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Làm thơ nhưng không quên nghề báo

Có lẽ không phải trùng hợp khi PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh lựa chọn xuất bản một ấn phẩm đặc biệt vào những ngày tháng 6, tháng có sự kiện quan trọng nhất của những người làm báo, Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.1218). Một tác phẩm văn học kỉ niệm “tròn 50 năm bước vào nghề báo”, những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp báo chí bền bỉ, nhiều thử thách được ông khắc họa qua từng câu thơ đậm chất trữ tình.

Dường như chất thơ đã có sẵn từ lâu trong con người Nguyễn Hồng Vinh, nhưng chỉ sau khi làm tròn những trách nhiệm với nghề, ông mới bắt đầu đem nó ra để tìm lại những tươi trẻ của tâm hồn, để sống một cuộc sống thi sĩ. Bởi vậy khi nói về làm thơ, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã từng đùa rằng mình chỉ là người “mới tập viết”, và làm thơ không có nghĩa là “quên” nghề, ông làm thơ để giữ cho tâm hồn trẻ mãi với nghề báo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

“Thơ và Dấu ấn cuộc đời” có chút đặc biệt hơn, cuốn sách dày 431 trang chỉ gồm 50 bài thơ của ông tiếp nối những tập thơ “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời”, “Lãng quên thì thầm”… và phần còn lại là những bình luận của các tác giả khác về những tác phẩm văn học của ông trong suốt 10 năm trở lại đây. “Tôi coi những lời bình phẩm (cả khen và chê) đều là những dấu ấn quan trọng, rất có ích trong cuộc đời hoạt động báo chí và văn học, nghệ thuật của mình”, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh viết trong lời đề cuốn sách.

Thơ trong “Thơ và Dấu ấn cuộc đời” có đủ bốn mùa của đất trời nhưng có lẽ ông dành cảm tình đặc biệt cho mùa xuân. Có lẽ bởi xuân là mùa cây lá đâm chồi nảy lộc, lúc tâm hồn được thư thái, hoặc chính là tâm hồn tác giả đang đến độ “hồi xuân”. Mở màn bằng “Khẽ khàng xuân”, “Phút xuân”, “Tản mạn về xuân”,… và ngay cả kết thúc chùm thơ cũng với “Xuân trong người lính đảo”. Cứ ngỡ “xuân” là thiên nhiên thế thôi nhưng không, mỗi “xuân” đều mang những kỉ niệm trong suốt hành trình dài 50 năm cầm bút của Nguyễn Hồng Vinh.

Mùa xuân của Nguyễn Hồng Vinh là “Mùa xuân đang về/ Chút lạnh chiều buông/ Choàng vai mỏng manh”, là “Ấm nón tình mẹ từ “bàn tay mùa xuân”/ Ta lớn lên theo dòng trôi con nước/ Trong cái nắng nung người và đêm đông giá buốt/ Vẫn âm vang lời Mẹ ầu ơ”… Tác giả cũng nhìn xuân qua con mắt của người khác như “Xuân trong người lính đảo”: “Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/ Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/ Súng chắc tay, có hậu phương điểm tựa/ Và cùng em, Tổ quốc mãi mùa xuân”.

Mùa xuân hồn nhiên, trong trẻo là thế nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, với con mắt của người làm báo cũng không đắm chìm trong đó, ông vẫn có những góc nhìn thời sự, và có chút "đau đáu" trong “Tản mạn đầu xuân”: “Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt”. Chất thơ trong báo chí chính là nằm ở những câu thơ vẫn có vần điệu nhịp nhàng nhưng lại sắc sảo và vẫn có gì “đau đáu” trước những “góc khuất” của xã hội.

Những câu chuyện, kỷ niệm, những chuyến công tác được đan xen tái hiện như một “phóng sự” nhưng được viết dưới thể loại thơ. Nếu để ý kĩ  sẽ thấy có một địa danh mà Nguyễn Hồng Vinh nhắc tới rất nhiều, rất tâm tình, đó chính là nước Nga một thời gần gũi, yêu thương. Từng học tập, công tác tại Nga trong một thời gian dài, không khó để hiểu ông dành cho nước Nga một tình cảm đặc biệt với những “Nước Nga trong tôi”, “Hoài niệm tháng sáu”, “Nhớ nước Nga”… Nước Nga trong Nguyễn Hồng Vinh là “Đây nước Nga mênh mông/ Mặt trời như không tắt/ Rừng tai-ga điệp trùng/ Hàng bạch dương thơ mộng”... Những kỷ niệm của Nguyễn Hồng Vinh sao mà đẹp, mà da diết đến thế, đến nỗi ông cũng phải thốt lên: “Bao năm xa nước Nga/ Vẫn nhớ hoài ngày đến”.

Rồi cả những cái thiện, cái ác, trải nghiệm về nghề, Nguyễn Hồng Vinh đều thổ lộ hết thảy với độc giả của mình. Đây cũng là điều khiến Nguyễn Hồng Vinh luôn tự hiện hữu được mình trong mỗi vần thơ bình dị mà sâu sắc, thi sĩ nhưng vẫn theo đuổi được thế sự.

“Say thơ cũng bởi say đời”

Nhiều nhà thơ nổi tiếng, những nhà lý luận văn học đã dành nhiều lời khen cho những tập thơ của ông. Và để bày tỏ sự trân trọng, những lời khen, lời bình đều được Nguyễn Hồng Vinh tập hợp lại để trở thành phần 2 trong cuốn sách kỉ niệm “dấu ấn cuộc đời”. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, một người em đồng nghiệp của Nguyễn Hồng Vinh  đã phải thốt lên rằng: “Xin chúc mừng anh Hồng Vinh với tập thơ đầu tay “Từ những nẻo đường”. Với sự ra đời của tập thơ này, anh đã trả được món nợ tình cảm đối với quá khứ và tiến bước trên con đường thơ nhiều hứa hẹn… Thơ là thiên bẩm . Nhưng thơ cũng là quá trình rèn luyện. Tin rằng, ở những tập thơ sau, ta vừa gặp một Hồng Vinh – một nhà báo, một nhà chính trị, lại có thể gặp một Hồng Vinh thi sĩ. Ba trong một. Một có sức nhân lên, lan tỏa!”.

Cuốn sách “Thơ và Dấu ấn cuộc đời”

Còn với nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Hồng Vinh “say thơ cũng bởi say đời". Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, một Nguyễn Hồng Vinh từng viết những bài sắc sảo trên cương vị của một cán bộ tư tưởng, thì với những câu thơ đi vào lòng người chỉ có thể từ chính tình người, cảm xúc chân thực, không trang trí và không diễn, “một vẻ đẹp, không chói gắt và đượm tình”.

Nhà thơ Bằng Việt, khi thưởng thức tập thơ “Nhịp điệu thời gian” cho rằng Nguyễn Hồng Vinh như “một hồn thơ trẻ lại bất ngờ”. Bằng Việt ví thơ của Nguyễn Hồng Vinh như “hạt gạo để ăn, không khí thở hàng ngày”, “trung thành với cảm xúc nội tâm, với những gì diết da và sâu nặng tự bên trong". Rồi cả nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều,  nhà báo Phan Quang… đều bày tỏ sự cảm mến đặc biệt với những vần thơ da diết và đầy khao khát của Nguyễn Hồng Vinh.

Với cả cuộc đời cống hiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của quản lý văn học nghệ thuật, dường như ở lĩnh vực nào Nguyễn Hồng Vinh cũng dành trọn cái tâm để làm nghề, và cả thơ văn cũng vậy. Có lẽ những vần thơ hiện tại của Nguyễn Hồng Vinh cũng chính là những dòng tâm sự hết sức chân thành của một cây bút tròn 50 năm tuổi nghề nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn