MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họp Hội đồng Sơ khảo Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn ngày 18.9. Ảnh: Hoàng Lâm

Phản ánh sinh động cuộc sống của người lao động

Mỹ Linh LDO | 19/09/2023 06:00

Ngày 18.9, Hội đồng Sơ khảo Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đã họp để thống nhất các nội dung trước khi trình các tác phẩm vào Chung khảo.

Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện được phát động từ tháng 11.2021.

Sau gần 2 năm, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của hơn 300 tác giả là các nhà văn, các cây viết không chuyên, đặc biệt cuộc thi nhận được nhiều tác phẩm của công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn.

Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, hầu hết các tác phẩm đều đi đúng mục đích của cuộc thi là viết về công nhân, công đoàn theo tiêu chí và điều lệ. Các tác phẩm mang chất sống và hơi thở của thời đại phản ánh đúng những vấn đề của công nhân, của công đoàn và vai trò vị trí của người lao động và tổ chức Công đoàn hiện nay.

Đại diện Hội đồng Sơ khảo, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: Đây là cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cho nên lực lượng tham gia sẽ có cả nhà văn chuyên nghiệp và những người làm việc trong lĩnh vực công đoàn, công ty, nhà máy, xí nghiệp…

Lực lượng viết tham gia khác nhau cho nên chất lượng khác nhau; phần lớn bám sát đề tài công nhân và công đoàn; đi sâu phản ánh đời sống của người lao động trong thời điểm hiện nay (công nhân lao động chân tay và công nhân tri thức). Có thể nhận thấy một số tác phẩm viết có tính văn chương cao, đạt được cả yếu tố đề tài do cuộc thi quy định.

Có thể thấy, bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm rất sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường caosu ở Tây Nguyên, đó là những công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)...

Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú, họ là công nhân ở xưởng dệt, là công nhân may mặc, là công nhân ở các nhà máy trong quá trình chuyển đổi số, là công nhân khai thác than, khoáng sản, là công nhân đóng giày da, là công nhân nhà máy lọc dầu, những người trồng thuốc lá trên núi...

Ở mỗi bối cảnh, mỗi môi trường lao động, lại cho thấy những khó khăn vất vả khác nhau, những cuộc đời khác nhau, những vui buồn khác nhau.

Những số phận lao động làm ở công ty nước ngoài, có chủ là doanh nghiệp nước ngoài, những công nhân tha hương làm thuê ở nước ngoài, đến những công nhân làm việc cho doanh nghiệp trong nước... đều được miêu tả rất chân thực, sinh động ở các tác phẩm.

Vượt lên trên tất cả, mỗi số phận dù đi qua cay đắng, tủi hờn, đi qua vất vả gian truân vẫn tin tưởng, lạc quan vào một tương lai tươi sáng.

Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn 18 tiểu thuyết, 43 truyện ngắn vào vòng chung khảo để chấm và xét giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn