MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phần thưởng của sự kiên nhẫn

Việt Văn LDO | 07/07/2023 09:29

Xem phim là để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, thậm chí nếu đạo diễn tài năng thì còn có khả năng “ám thị” khán giả một cách tự nhiên, như kiểu màn ảnh dội lại người xem.

Ban giám khảo của Liên hoan phim danh giá Cannes (Pháp) đặc biệt chú ý và đánh giá rất cao “cái tôi” sáng tạo riêng đến mức cực đoan, kì lạ của “thí sinh” dự thi. Vì thế, càng đi tới tận cùng, phơi bày ruột gan mình ra thì “thí sinh” càng có cơ được chọn. Nói cách khác, đạo diễn chơi cuộc chơi nghệ thuật theo cái riêng của mình, khỏi cần quan tâm tới khán giả. Và nếu cái tôi ấy bắt đúng “tần số” của ban giám khảo thì khỏi phải bàn.

Nhưng chính vì thế mà xem phim trúng giải hay được lựa chọn chính thức (official selection) của Cannes rất oải. Thường phim nào cũng dài, nặng nề và thách thức sự kiên nhẫn của người xem.

Nhưng vượt qua sự chán nản dễ gặp ban đầu thì thường những tác phẩm đó lại để lại những dư vị khó quên, nhiều khi chỉ là một cảnh huống, 1 chi tiết cực kì đắt giá và đó là phần thưởng cho sự kiên nhẫn.

Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul nhận giải Cành cọ Vàng đầu tiên của nền điện ảnh Thái cho tác phẩm “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives” (Bác Boonmee hồi tưởng tiền kiếp) khiến giới làm phim Việt xôn xao.

Nhưng khi chiếu ở Hội Điện ảnh, nhiều người bỏ về. Phim rất dài, thậm chí lê thê, nhưng đoạn bà phi xuống suối cởi xiêm áo và để những con cá lao vào “yêu” thì thật độc đáo và lãng mạn. Nó là độc nhất vô nhị trong sáng tạo của Apichatpong.

Phim “Amour” (Tình yêu) của đạo diễn bậc thầy Michael Haneke như cú đấm giáng mạnh vào tâm trí người xem về sự nghiệt ngã của tuổi già và khó ai có thể xem lại phim vì cảm giác rất nặng nề như chi tiết người chồng dù rất yêu vợ vẫn tát vào mặt vợ và giấc mơ đi trong nhà tắm ngập nước...

Tác phẩm “The Tree of Life “(Cây đời) của đạo diễn lừng danh Terrence Malick làm người xem khó hiểu vì những phân mảnh rời rạc nhưng ít ai quên được những cảnh đẹp như một bài thơ ở đầu phim…

Còn bộ phim Nhật, tôi vừa xem, ngoài những cảnh thiên nhiên mang nhiều tính ẩn dụ về câu chuyện của hai đứa trẻ thì câu nói “nếu cấy não lợn vào người thì người đó được gọi là người hay lợn” cứ ám ảnh.

Xem phim cũng giống như hành trình trên đường, nhiều khi không hẳn đích đến mà chính những chi tiết bắt gặp ở dọc đường mới tạo nên sự thú vị làm ta nhớ mãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn