MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Bái Đính (Ninh Bình) nơi sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế về “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”. Ảnh: Diệu Anh

Phát huy giá trị danh hiệu UNESCO để phát triển du lịch bền vững ở NinhBình

DIỆU ANH LDO | 01/07/2023 11:45

Ninh Bình - Hiện nay, trên cả nước có 57 khu di sản, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất, các thành phố học tập, sáng tạo, hòa bình đã được nhận danh hiệu UNESCO. Sau khi được ghi nhận, hoạt động du lịch ở các vùng này đều phát triển vượt bậc.

Tại Ninh Bình, 9 năm trước, vào ngày 23.6.2014, tại Doha, với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho Quần thể di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An cũng là điểm khởi đầu để mở ra một thời kỳ mới cho ngành Du lịch Ninh Bình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, đến nay, Tràng An luôn được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Du lịch có trách nhiệm được lựa chọn làm mô hình phát triển với sự tham gia của 3 trụ cột: nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân.

Ngoài việc đầu tư tôn tạo di tích, cảnh quan, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để vừa bảo tồn di sản, vừa tạo sự phát triển bền vững. Như mở rộng hơn 10 tour, tuyến du lịch mới tại các khu vực lân cận di sản nhằm giảm tải lượng khách cho Quần thể di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An theo khuyến nghị từ UNESCO.

Bên cạnh đó, những cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn liên tiếp được tiến hành, bổ sung giá trị văn hóa. Đồng thời, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên trong cả vùng lõi và vùng đệm di sản.

"Dù đã xây dựng được mô hình bảo tồn và phát triển bền vững, song về hướng đi lâu dài sẽ còn rất nhiều khó khăn đặt ra. Vì thế việc nghiên cứu các mô hình thành công của các quốc gia để rút ra kinh nghiệm cũng là điều mà chúng ta luôn hướng tới" - ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Ninh Bình cho hay..

Cũng theo ông Tấn, từ ngày 2 - 4.7 tới đây, một sự kiện văn hóa du lịch và đối ngoại quan trọng có tầm quốc tế sẽ được tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đó là, Hội nghị Quốc tế về “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Hội nghị là cơ hội quý để trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý trong nước và quốc tế, đề ra định hướng, giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam và Ninh Bình tốt hơn trong thời gian tới. Hiện tỉnh Ninh Bình đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Hội nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn