MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua việc gửi gắm các giá trị văn hóa vào trong mỗi sản vật. Ảnh: Nguyễn Trường

Phát huy giá trị văn hóa Cố đô trong sản phẩm OCOP

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 10/02/2024 09:38

Ninh Bình là mảnh đất được ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với những nét truyền thống văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mảnh đất Cố Đô. Địa phương đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua việc gửi gắm các giá trị văn hóa vào trong mỗi sản vật, góp phần tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế nông thôn phát triển.

Làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có trên 700 năm tuổi. Với sự sáng tạo, thừa kế nghề di sản của cha ông, những người thợ làng Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Từ năm 2019, nhiều sản phẩm thêu ren của làng được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Vũ Thành Luân - Chủ tịch Hiệp hội Nghề thêu ren Văn Lâm cho biết, từ khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của làng có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội, sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng.

Chương trình OCOP đã giúp cho làng nghề làm gốm có thêm động lực phát triển những sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Trường

Được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu quốc gia, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi về với Ninh Bình, những người thợ làng gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của quê hương như: Đền Vua Đinh, Vua Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động… để chuyển tải thành nét vẽ hoa văn tinh tế, hình ảnh cách điệu trên sản phẩm gốm.

Nghệ nhân Phạm Văn Vang - Giám đốc Công ty TNHH bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát, huyện Yên Mô cho biết, Chương trình OCOP đã giúp cho làng nghề làm gốm có thêm động lực phát triển những sản phẩm chất lượng cao không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn giữ gìn được những nét đặc trưng riêng của làng nghề.

Khi tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Ninh Bình như thêu ren làng Văn Lâm, gốm cổ Bồ Bát, cơm cháy, mật ong Cúc Phương, trà sen Cố đô... đã được tiếp thêm sức mạnh, có sức cạnh tranh hơn trên thị trường.

Điều này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà mỗi sản phẩm như một sứ giả góp phần quảng bá văn hóa vùng miền và chứa đựng, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.

Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa và tri thức bản địa. Ảnh: Nguyễn Trường

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu năm 2019 khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình đã xác định phải phát triển các sản phẩm mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất con người của Ninh Bình.

Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa và tri thức bản địa.

Nhắc đến Ninh Bình, giờ đây người ta không chỉ nói về một vùng đất non nước yên bình mà còn nhớ tới những sản phẩm OCOP nổi tiếng, vang danh mang đậm giá trị văn hóa, tinh hoa. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các chủ thể hồi sinh những nét độc đáo riêng có, khẳng định thương hiệu OCOP của vùng đất Cố đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn